Một thời mãi nhớ


1. Sự ra đời lớp Mẫu giáo Giáo lý – vườn đồng Mẫu giáo giáo lý

Tháng 3 năm 1975, Đà Nẵng trải qua một cuộc thay đổi lớn. Chiến tranh đã kết thúc tại địa phương, thành phố có những xáo trộn nhất định. Trong tình cảnh ấy, hình ảnh những thanh niên Hưng Đạo trong bộ đồng phục tam thanh xông xáo khiêng thương, dọn dẹp xác chết, dọn dẹp thành phố… đã là một ấn tượng khó quên với mọi người!

Một năm trôi qua, Hưng Đạo đoàn vẫn còn tiếp tục sinh hoạt nhưng dần dần thay đổi. Chiếc áo hợp màu tam thanh và khăn quàng thiên thanh không còn nữa nhưng lòng nhiệt thành vì đạo vì đoàn thì vẫn còn nguyên trong bao con người.

Ngày 13/3/Bính Thìn (12/4/1976), Chi đoàn Trung Thành kỷ niệm 12 năm thành lập. Huynh trưởng Chi đoàn trưởng Trần Xoài đã quan tâm ưu tư đến thế hệ trẻ trong thời đại mới. Anh đã viết trong diễn văn:

“…rồi đây chúng ta sẽ cùng nhau tạo dựng các vườn trẻ Mẫu giáo Giáo lý phổ thông, chúng ta sẽ bắt tay vào việc săn sóc dìu dẫn niềm tin Thầy mến Đạo cho con em nhà Đạo xa gần. Hướng dẫn các em học tu, học đạo, tạo khái niệm về chánh pháp và ơn cứu chuộc để từ đó các em dần dần phát hiện ánh sáng Đạo pháp kỳ ba và tiếp thu đức tin và lòng hồi hướng về Thầy như chúng ta ngày nay vậy…”.

Bởi vì anh cũng đã hiểu: “Một cái gật đầu của tuổi trẻ quyết định một tương lai” nên đã mạnh dạn đảm đương tổ chức thục hiện ý tưởng đó, trong khi cuộc sống ngỗn ngang, sóng đời xô đẩy tác động không nhỏ đến niềm tin của từng con người, từng gia đình…

Anh đã lạc quan động viên anh em:

chúng ta có chấp nhận gian khổ hy sinh, chúng ta có chịu đổ mồ hôi và nước mắt, chúng ta mới mong hái được trái chin hoa thơm trong cơ cứu chuộc, mới tạo được vinh quang cho đạo pháp và dân tộc anh hung trong thế hệ Cao Hữu Chí ngày mai trên đường hoằng dương chánh pháp”.

Được sự hoan nghênh của Họ đạo Trung Thành, anh Trần Xoài bắt tay vào thực hiện. Anh đã lập ra ban tổ chức học tập giáo lý Cao Đài, Họ đạo Trung Thành kêu gọi một số thanh niên tích cực với đoàn hợp tác tham gia. Anh đã chia ra thành các khu vực:

-Tại An Hải: lấy Thánh thất Liên Hòa giao cho các anh chị: Văn Quý Huỳnh, Nguyễn Thị Tường Vi, Nguyễn Hồng Tần. Khu vực nội thành Đà Nẵng chia làm hai điểm:

-Tại Trung Hưng Bửu Tòa: có các anh chị Nguyễn Thị Cúc, Ngô Thị Phú, Phan Minh Đình, Đặng Thị Kim Anh

-Tại Tịnh Đường: có các anh chị Hồ Quốc Bửu, Nguyễn Thị Ngà, Ngô Thị Quý. Trong thời buổi khó khăn mọi mặt, anh Trần Xoài phải nương tựa quyền pháp Họ Đạo Trung Thành mà quy tụ con em trong Thành Đạo Đà Nẵng. Anh đã soạn thảo văn thư kêu gọi:

Thành Đạo Đà Nẵng                     Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ

Họ đạo Trung Thành

Hội Thánh Truyền Giáo Cao Đài

BAN TỔ CHỨC HỌC TẬP GIÁO LÝ CAO ĐÀI HỌ ĐẠO TRUNG THÀNH

Kính gởi quý Đạo tâm nam nữ trong toàn Họ Đạo

Để các con em trong nhà đạo chúng ta có được những khái niệm căn bản về đạo pháp Chí Tôn trong cơ cứu chuộc của buổi Tam Kỳ, đồng thời để giống đạo được trường lưu, ơn Trời được phổ hóa, Họ Đạo đã ủy thác cho chúng tôi trách nhiệm hướng dẫn tất cả thanh thiếu nhi trong nhà đạo, bằng cách tổ chức những lớp học Mẫu giáo Giáo lý Phổ thông định kỳ vào ngày chủ nhật hằng tháng.

Mỗi tháng chỉ học một buổi tại …………………………………, thời gian do ban hướng dẫn địa phương quy định. Chúng tôi cũng xin khẳng định đây chỉ là một lớp học như các lớp học bình thường không có hình thức một tổ chức đoàn đội như thanh niên Hưng Đạo và mục đích là hướng dẫn cho các em làm quen với nếp sống đạo cũng như các hình thức cúng lễ khác trong tín ngưỡng Cao Đài.

Kính mong quý vị cảm thông sâu xa lẽ đạo vui lòng cho các con em ghi tên nhập học và thúc đẩy con em hăng hái trong các buổi học định kỳ. Giống Đạo được gieo và nảy mầm hay không là tùy ở thiện tâm và lòng tin Thầy của quý vị.

Khán: Trung Thành, 09 tháng 4 năm ĐĐ 51 Họ đạo rất tán thành về tinh thần nêu trên TM.

Ban Tổ chức của BTC học tập. Kính mong quý Ban Hành sự và toàn đạo tích cực hưởng ứng và hỗ trợ Trung thành, ngày 09 tháng 4 năm ĐĐ 51 Đầu Họ Đạo Trần Xoài Ngọc Dư Thanh

chuong trinh Maugiao Gly 1976

Các anh chị Trưởng nêu trên bắt đầu đi đến các gia đình đạo hữu để kêu gọi, không phân biệt Họ đạo nào cả, dù là giấy “thông hành” nêu trên là của Họ đạo Trung Thành. Lòng nhiệt tình của quý anh chị và niềm tin của bổn đạo đã hình thành nên bước đầu 3 lớp học tại 3 địa điểm, với những con người ngày ấy như sau:

– Tại TT Liên Hòa: Lê Văn Hùng, Nguyễn Văn Lộc, Lê Kiết, Lê Văn Tiến, Nguyễn Xuân Thu, Hồ Quý Khoa, Mai Văn Phương, Hoàng Thị Như Ý, Phạm Thị Lâm Sanh, Phạm Thị Ánh, Phạm Thị Loan, Nguyễn Thị Ngọc Bích, Nguyễn Thị Kim Vân, Trương Thị Cẩm Hồng, Hồ Thị Bích Luận, Trần Hữu Thiện.

– Tại Tịnh Đường: Trần Thị Vân, Trần Thị Hải, Trần Văn Thanh, Trần Văn Trung, Võ Văn Phước, Võ Thị Thêm, Phan Hoài Ngọc, Phan Dạ Thảo, Phan Huy Thanh, Trần Thị Thanh Y, Huỳnh Thị Hơn, Lê Huỳnh Thanh Tùng, Lê Thị Vân, Lê Huỳnh Phước Hiếu, Nguyễn Đình Dũng, Lê Thị Lành, Trần Mật, Võ Thị Hanh, Trần Thị Hạnh, Trần Thị Chi, Trần Đình Tuấn, Nguyễn Thị Kim Khánh.

– Tại Trung Hưng Bửu Tòa: Ngô Kiệt, Nguyễn Thị Tuyết, Nguyễn Phát, Nguyễn Thị Hoa, Nguyễn Thị Như Viên, Nguyễn Thị Như Lạc, Lê Thị Nga, Nguyễn Thị Ánh Tuyết, Nguyễn Quang Thanh, Nguyễn Tuyết Nhung, Nguyễn Thanh Nga, Nguyễn Thượng Độ, Trần Thị Hồng, Trần Đức, Nguyễn Vạn Ấn, Ngô Thị Bạch Yến, Ngô Văn Hào, Nguyễn Hữu Bích Chi, Nguyễn Thị Thu Thủy, Hồ Thị Thanh Hương, Hồ Thanh Hùng, Trương Diệu Huyền, Trương Công Thanh Quang, Hồ Xuân Hương, Hồ Xuân Nga, Huỳnh Dũng, Nguyễn Thị Hồng, Nguyễn Xuân Hoa, Nguyễn Thị Đóa, Đặng Đức, Đặng Thị Kim My, Đặng Thị Kim Đại, Phan Bá Lương.

Như vậy là các lớp học trên đã gồm đủ các Họ Đạo: Trung Thành, Thanh Quang, Hội An, Liên Hòa, Trung Đồng…Đây cũng là nền móng cho việc xây dựng ý thức không phân chia Họ đạo trong thế hệ lúc bấy giờ.

Ngày 23/5/1976 (25/4/Bính Thìn) cả 3 khu vực đều khai giảng buổi học Giáo lý đầu tiên. Đây là lần đầu tiên sau 29/3/1975, con em nhà đạo tại Đà Nẵng mới được gặp nhau trong mục đích học tập giáo lý, lần đầu tiên quay quần với nhau sinh hoạt học đạo mà không trong bộ đồng phục Hưng Đạo, thế nhưng, những bài ca Hưng Đạo vẫn vang lên trong những buổi học ấy.

Trưởng Trần Xoài lại vạch định chương trình học tập, anh dự định chương trình cho mỗi 3 tháng một. Sau 3 tháng, anh lại tập trung quý trưởng lại bồi dưỡng kỹ năng hướng dẫn các em, nào là phương pháp hướng dẫn, cách truyền đạt giáo lý, tâm lý trẻ, v.v.. Cần phải nói thêm rằng, lúc này phải kể đến công sức của quý Anh Chị lớn Hội Thánh, Thánh thất, như cô Lễ Hương Bình ngày ấy cũng tham gia bồi dưỡng hướng dẫn các trưởng…

boi duong nguoi huong dan 1976

Nhớ lại ngày ấy các Trưởng cũng đã vất vả biết bao trong hướng dẫn các em! Những câu hỏi đơn giản như “em theo đạo gì?” mà cũng phải dò hỏi từng em cặn kẽ, rồi tập cho các em sinh hoạt vòng tròn, rồi còn đưa đón các em đi về tận nơi…

Trung Thu năm ấy (8/9/1976), cả hội trường Trung tâm Ký nhi Hưng Đạo vang lên tiếng hát hò của các em thiếu nhi Đà Nẵng. “Vui trung thu chúng em nguyện ngoan hiền trong vòng tay Mẹ” là câu tiêu đề nỗi bật của mùa Trung Thu đó. Đây cũng là đợt sơ kết bình chọn các em xuất sắc. Những chiếc khăn quàng xanh đậm (không giống Hưng Đạo) được choàng lên cho các em xuất sắc. Khi đó, phương pháp Hàng đội cũng vẫn duy trì trong các Lớp giáo lý (còn gọi vườn đồng Mẫu giáo giáo lý), cụ thể tại Trung Hưng Bửu Tòa: Hàng Tùng, hàng trưởng Nguyễn Vạn Ấn, còn hàng Mai: Hồ Thị Xuân Hương, hàng Hồng: Lê Thị Nga.

Có ai biết đâu rằng lần vui Trung Thu với các em lần này là lần cuối cùng của người anh đầu đàn- Trần Xoài! Tất cả không ngờ được rằng nụ cười ấy là nụ cười cuối cùng, những cái nhíu mày lo cho công việc cũng là lần cuối cùng; bởi 20 ngày sau trong chuyến hộ tang cho gia đình Trưởng Nguyễn Quang Trí, anh đã ra đi vĩnh viễn. Ấy là một chiều mưa, một buổi chiều tang tóc ngày 28/10/1976 (6.9.Bính Thìn), sau khi hoàn thành việc đưa tang, chuyến xe định mệnh đã đưa anh Trần Xoài, Chi đoàn trưởng Chi đoàn Trung Thành cùng hai đoàn sinh và cả hai đạo hữu nữa đã ra đi vào cõi vĩnh hằng. Giáo hội mất đi một người trưởng Hưng Đạo tâm huyết, giàu năng lực, các em mất đi một người anh, một cánh chim đầu đàn lúc nào cũng sáng tạo, dũng cảm đương đầu, vượt lên khó khăn bão tố…

 

Các em sẽ còn nhớ mãi “Đường về Thầy dù qua bao thử thách trần ai, vững đức tin ta quyết nương chánh pháp Cao Đài” hay “Kìa kìa trên đồi cao hoang vu, loài hoa trắng ngát hương một trời, hoa trắng thơm loài hoa Hưng Đạo”… là những bài ca, anh tự viết lời rồi tự tạo ra giai điệu để hát.

 hai bai hat goc cua Tran Xoai

Lúc này, Trưởng Nguyễn Hữu Bửu Hoài, Chi đoàn phó chi đoàn Trung Thành đứng ra điều động công việc thay cho anh Xoài. Các lớp giáo lý lúc này cũng có sự thay đổi. Nhóm tại Tịnh Đường do anh Hồ Quốc Bửu đi công tác xa nên sát nhập với nhóm tại Trung Hưng Bửu Tòa. Về trưởng thì do Trưởng Ngô Thị Phú đã hy sinh trong chuyến công tác hộ tang ấy nên các Trưởng Nguyễn Thị Cúc, Nguyễn Thị Ngà… đảm trách.

Cũng thời gian này, lớp tập đọc kinh ban đêm ra đời. Anh Bửu Hoài đã kêu gọi lập danh sách đồng nhi. Lớp đồng nhi ban đầu được khoảng 10 – 12 em về sau sĩ số tăng lên 16 -17. Đạo huynh Nguyễn Tấn Trình của Họ đạo Trung Thành đứng ra chịu trách nhiệm hướng dẫn, về sau có thêm chị Nguyễn Thị Cúc, Nguyễn Thị Ngà… và chị Ngà cũng giúp thêm việc tập đọc Thánh giáo. Như vậy, việc sinh hoạt học đạo ban ngày mỗi chủ nhật có thêm chương trình tập kinh, tập ngâm thánh giáo ban đêm, khoảng 1- 3 đêm mỗi tuần.

Một sự kiện khá đáng nhớ là vào ngày 19.6. Đinh Tỵ (3/8/1977), các trưởng đã quyết định thay măng cho các em lớn. Sáng hôm đó, tại Trung Hưng Bửu Tòa, các Trưởng đã choàng những chiếc khăn quàng xanh lên vai những thiếu sinh bé nhỏ.

Ngày 3/3/Mậu Ngọ – ĐĐ52 (9/4/1978), Anh lớn Thừa sử quân Hồ Tân Sinh đã tham gia tổ chức lại lớp học giáo lý, được khoảng 20 em. Việc học được thực hiện trong vòng hơn 1 tháng thì cũng đình trệ. Lúc này, Chi đoàn Trung Thành phân công hai trưởng Nguyễn Hồng Tần và Hồ Quốc Bửu đến sinh hoạt với các em.

2. Sự ra đời của Thiếu đoàn Tân Giáo lý

Việc sinh hoạt từ khi có hai anh Bửu, Tần được khởi sắc hơn. Đến với lớp lúc này còn có trưởng Lê Văn Lộc, rồi Anh lớn Giáo Sư Thượng Hậu Thanh cũng trực tiếp đến dạy bày giáo lý. Còn nhớ, Anh lớn Giáo sư đến dạy các em học thuộc lòng 4 câu Thánh giáo:

“Cao Đài là đạo chẳng lời phân Đài thượng Thầy trao trẻ chí chăm Tiên bút viết ra ơn giáo pháp Ông Trời đây đó ngự nơi tâm”.

Các anh Tần, Bửu nhận thấy các em đã lớn phải đưa lên thiếu và phải lấy tên của một thiếu đoàn. Và như thế, vào ngày 19/6/Mậu Ngọ (23/7/1978), Thiếu đoàn Tân Giáo lý đã ra đời. Buổi lễ ra mắt có phần trao khăn tượng trưng cho các đội trưởng, đội phó, đặc biệt có sự hiện diện của quý Huynh trưởng: Phan Minh Khóa, Nguyễn Thị Bích Yên, Nguyễn Thượng Hưng. Thiếu đoàn lúc này chia thành 3 đội:

-Đội Trí: ĐT Nguyễn Chí Sĩ, ĐP Nguyễn Vạn Ấn, Nguyễn Thượng Độ, Trương Công Nguyễn Quang Phiệt, Ngô Văn Hào, Huỳnh Dũng, Trần Đức

-Đội Nhân: ĐT Nguyễn Thị Huệ, ĐP Nguyễn Thị Tuyết, Nguyễn thị Đóa, Nguyễn Thị Vân, Hồ Xuân Hương, Nguyễn Thị Kim Khánh, Nguyễn Thị Như Mai, Nguyễn Thị Thanh Nga, Nguyễn Thị Minh Nguyệt.

-Đội Hạnh: ĐT Lê Thị Nga, ĐP Đặng Thị Kim Nhơn, Hồ Thị Xuân Hương, Ngô Thị Anh, Huỳnh Thị Hơn, Nguyễn Thị Kim Anh, Trần Thị Hồng. Để việc sinh hoạt học đạo được tốt hơn cũng như góp phần gìn giữ Thánh sở, thiếu đoàn chuyển sinh hoạt ra sân sau Ký nhi viện Hưng Đạo. Tên gọi của Thiếu đoàn như nhắc nhở tất cả các thiếu sinh mục đích học hỏi nền giáo lý mới để xứng đáng làm môn đệ trong nền đạo mới do Thầy Trời giáng lập… Cuối tháng 3 năm 1979, Thiếu đoàn chỉ còn 2 đội Trí: 16 đoàn sinh và Nhân: 14 đoàn sinh nhưng vì hoàn cảnh của các gia đình, số lượng đoàn sinh cũng dần dần giảm sút.

3. Sự ra đời Thiếu đoàn Hoành Sơn

Đến ngày 13/3/Kỷ Mùi (9/4/1979), nhằm thiết thực hơn với mục đích, thiếu đoàn Tân Giáo lý được đổi tên thành Thiếu đoàn Hoành Sơn, với mong ước tinh thần dấn thân vì đạo của tuổi trẻ Trung Hưng, qua lý tưởng Hưng Đạo vẫn mãi trường tồn như sự kiện Hoành Sơn trong tiên báo của cụ Trạng Trình thuở nào…

Cuối tháng 6/1979, Trưởng Bửu, Tần vào Sài Gòn gặp các Anh lớn Liên Hoa, Thanh Long… Hai Anh lớn đã khuyên bảo nhiều điều quý giá, động viên hai anh nỗ lực hơn với công việc hướng dẫn. Về lại Đà Nẵng, các Trưởng Bửu, Tần thêm trưởng Trần Đình Phụng cùng các đội trưởng, đội phó đã mở cuộc họp xác định mục đích của Thiếu đoàn:

– Giữ gìn giống đạo

– Gieo truyền đức tin

– Tạo cho lớp trẻ không phân biệt Tịnh Đường

– Hội Thánh cũng như các chi phái trong đạo.

– Cố gắng làm cầu nối giữa các nơi bằng hành động.

Các phương pháp sinh hoạt của Thiếu đoàn cũng dựa vào châm ngôn Phụng Sự đồng thời phát huy phương pháp Hàng đội tự trị. Với phương pháp tự trị, các thiếu sinh đã nhiều lần tự tổ chức dọn dẹp Hội Thánh, Thánh Thất, tự mở các buổi trao đổi học thêm giáo lý với nhau, tự nghiên cứu viết bài, tự tổ chức các buổi trò chơi lớn…

Trong giai đoạn này, có thêm sự cộng tác của anh Lê Thanh Văn hướng dẫn hát đạo ca và các tiết mục đạo ca được góp mặt trong các buổi học Giáo lý của Anh lớn Thừa sử cũng như các ngày lễ vía làm cho không khí sinh hoạt học đạo lúc ấy nhiều màu sắc đặc biệt.

Đến tháng 12/1979, số lượng thiếu sinh nam vắng nhiều nên hai đội được xáo trộn có cả nam và nữ. Cũng nên kể lại những cá nhân tham gia ngày ấy:

-Đội Trí: Nguyễn Chí Sĩ, Nguyễn Thị Kim Khánh, Huỳnh Thị Hơn, Trần Thị Vân, Huỳnh Thị Hơn, Lê Thị Nga, Hồ Thị Xuân Hương, Hồ Thị Xuân Lợi, Nguyễn Thị Đóa, Nguyễn Việt Long, Trương Quang Phiệt, Nguyễn Thị Viên.

-Đội Nhân: Nguyễn Vạn Ấn, Đặng Thị Kim Nhơn, Nguyễn Thị Tuyết, Nguyễn Thị Kim Anh, Trần Thị Thuyền, Nguyễn Thị Ngọc Mai, Nguyễn Thị Hoa, Trần Ngọc Mỹ Chi, Trương Nguyễn Phương Chi, Trần Nguyên Hanh, Trần Ngọc Quảng Phi, Vương Hùng, Trần Thị Hồng.

Sự sinh hoạt của Hoành Sơn cũng gặp nhiều khó khăn trong chỉ đạo, đây là đơn vị thuộc Chi đoàn Trung Thành hay độc lập, hay thuộc chỉ đạo của Phân đoàn hay của Hội Thánh? Chính vì thế, có nhiều khi có những hiểu nhầm gây ra một số khảo đảo nội bộ.

Thiếu đoàn Hoành Sơn lúc này tuy không mấy nhân sự nhưng là hình ảnh tích cực cho sinh hoạt trẻ của Hội Thánh giai đoạn đầy khó khăn. Các hoạt động công quả như đón củi sở nông Mỹ Thị, hộ kinh, khiêng tang, dọn dẹp Thánh đường, Thánh thất, hát phục vụ tại hội trường ngày lễ, giao lưu gặp gỡ các tôn giáo bạn… là những hoạt động dường như thường xuyên của Hoành Sơn.

Đến 24/5/Canh Thân (năm 1981), các Anh lớn Hội Thánh với sự tích cực vận động của Thừa Sử Hồ Tân Sinh cùng có sự chung góp ý tưởng của các cựu Huynh trưởng Trần Hường, Trương Công Sách, Phan Minh Thành, Phan Minh Khóa, Lương Tiến Toàn… đã thành lập ca đoàn Áo Trắng, với các ca viên nền tảng là các thành viên của Thiếu đoàn Hoành Sơn. Có thể nói, Hoành Sơn hay Ca đoàn lúc này có khi không phân biệt rõ nữa. Sau 1983 trở đi, các thành viên Hoành Sơn dần dần giảm sút do đi học xa, do lo học thi vào các trường đại học, sinh hoạt được bổ sung các em trẻ mới và lúc này gọi tên là Lớp Giáo lý nhưng vẫn với các hình thức sinh hoạt của vườn đoàn, hàng đội…

Huyền An Tâm

Xem thêm chủ đề: Bài viếtTin tứcTuổi trẻ Trung Hưng