Còn đó những trăn trở


Năm 2006, vào dịp kỷ niệm 50 thành lập Hội Thánh Truyền Giáo Cao Đài, chúng tôi đã lặn lội, mày mò theo trang sử Đạo tìm kiếm dấu tích người xưa. Phải nói điều cần thiết của quá trình đi tìm kiếm thông tin ấy là tấm lòng và cơ duyên vô hình đưa đẩy. Từ những thông tin sơ sài, không người chỉ dẫn, chúng tôi ngày ấy tìm được nơi ở xưa của gia đình bà Mục Cưu, ông Xã Xước là chuyện cũng lấy làm thú vị.

Năm 2009, kỷ niệm 75 năm đạo ra miền Trung mà nét thiêng liêng là Thánh lệnh chuyển bộ phận Tứ linh đồng tử về Quảng Nam, chúng tôi lại có dịp đưa đạo huynh Huệ Nhẫn và quý đạo huynh của Cơ quan Phổ thông Giáo lý, trên đường về Thánh đường Quảng Nam dự lễ, ghé lại thăm mảnh đất Bất Nhị, nơi khởi đầu cơ Đạo tại Quảng Nam. Lần này, chúng tôi ghé thăm lại từ đường tộc Lê Văn, căn nhà thờ ở gần nhà của anh Hương Bồn (Lê Văn Cưu). May mắn lần này đã được gia tộc họ Lê Văn làng Bất Nhị cho xem gia phả viết trên tấm vải to. Tuy chữ viết đã bay màu nhiều, nhưng dẫu sao cũng là một tư liệu khá quý. (Cũng nhờ đạo huynh Huệ Nhẫn chụp ảnh lại mà chúng ta còn tư liệu sử dụng về sau).

Bây giờ gọi cái tên Mục Cưu chắc hẳn thế hệ trẻ chưa hình dung ra điều gì có liên quan! Nói với những người trẻ hôm nay, chắc một vài dòng về những chức danh làng xã ngày xưa là không thừa.

Hương mục là một chức trong xã có trách nhiệm trông coi tài sản công tư của xã. Bà Trần Thị Cải em ruột ông Trần Công Trác tức Xã Xước (xã : xã trưởng hay lý trưởng), bà là vợ ông Lê Văn Hội làm chức Hương Mục trong làng. Con trai đầu của ông bà tên là Lê Văn Cưu, nên người ta gọi theo tên con và chức vụ là ông bà Mục Cưu.

Xêm trên gia phả thấy ông Lê Văn Hội là con của ông Lê Văn Thứ (chánh phối Nguyễn Thị Phi và kế thất Ngô Thị Tải). Ông bà Mục Cưu sinh hạ ghi trên gia phả gồm: Lê Văn Cưu (có vợ Lương Thị Bút), Lê Văn Cư (vô tự) có một con gái tên Lê Thị Hoa, người tiếp theo trong sơ đồ không ghi tên hay đã bay màu theo thời gian rồi. Tới đây, so với Hồi ký Thanh Long thì chỗ vị trí này chắc chắn là hai tiền bối Lê Văn Liêm và Lê Văn Bặc. Đọc tiếp sơ đồ thấy có một người nữ Lê Thị Niêm ghi bên dưới dòng chữ Thân Câu Nhí, thì hiểu ngay được là cô Niêm lấy chồng về họ Thân làng Câu Nhí, chính là tiền bối Thân Đức Giang. Đọc tiếp sơ đồ là tên Lê Văn Phong (vô tự), Lê Văn Quy (vô tự) đối chiếu với Hồi ký Thanh Long, ta hiểu đây là hai đồng tử Lê Văn Phụng và Lê Văn Quy.

nha ba Muc Cuu 2

nha ba Muc Cuu 3

Rất tiếc, không còn ai trực hệ để hiểu rõ thêm các chi tiết.

Năm 2011, Hội Thánh đã cùng con cháu trùng tu các phần mộ của gia đình ông bà Mục Cưu tại nghĩa trang Điên Nam, Điện Bàn trong khu gia tộc Lê Văn làng Bất Nhị. Vì không rõ bia của từng mộ, nên đã làm chung một bia ghi tên quý vị: ông Lê Văn Hội, bà Trần Thị Cải (bà Mục Cưu), ông Lê Văn Sắc (vô tự), ông Lê Văn Phong (đạo hiệu Bạch Phụng), ông Lê Văn Quy (đạo hiệu Kim Quy). Xem lại sơ đồ gia phả, chúng tôi hiểu thêm rằng ông Lê Văn Sắc là em kế của ông Lê Văn Hội.

Ngày hoàn thành mả, Hội Thánh có cúng lễ và cháu ngoại của ông Lê Văn Cưu (anh tên là Dũng) đã xin Hội Thánh cuốn sách Hồi Ký Thanh Long Lương Vĩnh Thuật để hiểu thêm về gia đình ông ngoại mình. Tôi đã đến tận nhà anh (số 11 Giang Văn Minh, Đà Nẵng) để trao cuốn hồi ký ấy.

nha ba Muc Cuu

Vì chưa có dịp đến viếng mộ và chỉ nghe qua chỉ dẫn, chúng tôi đã có một buổi chiều trong tiết Thanh Minh, Giáp Ngọ vất vả ngược xuôi kể cả cùng những người người dân địa phương chuyên xây sửa mồ mả tìm giúp khu mộ mà không thành công để thắp nén hương tưởng nhớ.

Thế rồi quyết tâm hơn nữa, tôi và một trưởng Gia đình Hưng Đạo Trung Đức, giữa cái nắng trưa 14 tháng 3 Giáp Ngọ, đã lại đi lục tìm trong cái bạt ngàn mồ mả của nghĩa trang Điện Nam này. Đúng là không dễ chút nào nếu không có người biết dẫn đường. Đành phải gọi đi gọi lại điện thoại nhiều lần với anh Dũng. Bởi cũng lâu lâu mới vào mộ nên anh cũng không nhớ rõ qua không gian được các chi tiết chính xác, mãi chúng tôi mới tìm thấy được khu mộ của ông bà Mục Cưu. Tưởng cũng nên viết ra đây, để những ai muốn đến nơi này biết mà tìm đến tưởng niệm. Khu mộ nằm về phía đường trong của nghĩa trang về tay trái. Lấy tộc Thân Câu Nhí ngay trên đường đi làm mốc, quá khu mộ tộc Thân về phía Bắc khoảng 10m, đứng trên đường nhìn vào hướng Tây sẽ thấy cổng khu mộ của tộc Lê Quang. Đi theo hương đó, gần tới sẽ thấy cổng mộ tộc Trần Công và phía sau khu phần mộ Lê Quang là Lê Văn làng Bất Nhị.

Chúng tôi bồi hồi đứng trước mộ phần, đốt nén nhang cắm lên bên từng ngôi mộ của gia đình ông bà mà nhớ lại đoạn Thánh giáo mà Thầy dạy, chính Kim Quy – Xích Lân làm đồng tử:

“Bạch Phụng con mạng trời phụng lãnh
Gánh nhơn sanh là gánh chung cùng
Vì ai, ai đợi, ai trông?
Cây ngô dấu phụng đã không thấy rồi!
Kim Quy con thì thôi nhân sự
Cuộc tuần hoàn hỏi thử sao đây
Bương theo cho kịp gót Thầy
Cam lai khổ tận hiếm ngày đó con”
Hay: “Đến trường thi Phụng Quy chiếm bảng
Bảng treo lên nào bạn Lân đâu?

Thật là những lời tiên tri chính xác mà chính người trong cuộc ngày ấy không lường hết được.

Trước mộ phần của gia đình ông bà, “một gia đình hy sinh vì đạo” như Đạo trưởng Thanh Long đã viết, nhớ đến đoạn Thánh giáo mà tiền bối Lê Văn Liêm, hiển vị Lục My Chơn Thánh giáng động viên gia đình khi mẹ, bà Mục Cưu đau ốm thì thấy cả một nỗi niềm xót xa của nhân thế mà đầy đạo vị:

“Lao đao đành chịu dãi dầu
Có xa trần thế mới hầu lên tiên
Đừng chi vội than phiền hờn trách
Kiếp con người bốn vách trần lung
Tử sinh lão bịnh chập chùng
Dẫu cho trăm tuổi cũng trong luân trầm
Gia đình ta chí tâm mộ đạo
Đạo còn cao khảo đảo còn nhiều
Đây hồng trần, đây Linh Tiêu
Cách nhau chỉ có một điều là tâm”

Ôi! Hồng trần, Linh Tiêu, tục tiên không cách nhau, chỉ có tâm này thôi, thật là những lời lẽ chứng đạo!

Thắp nén hương mà lòng thư thái, chúng tôi như trút được gánh nặng trong lòng bấy lâu. Nhìn nụ cười sung sướng tự hào của em Hội, GĐHĐ Trung Đức vì được đến nơi đây như phần nào xóa đi cái nắng chói chang của một ngày tháng 3 nơi xứ Quảng này…

Vậy nhưng vẫn còn vang lên đâu đó câu hỏi về chi tiết cuộc đời bà Mục Cưu, phần mộ tiền bối Lê Văn Liêm, Lê Văn Bặc ngày xưa nay đâu? Năm sinh, họ tên cúng cơm các vị thế nào? Sao mà tên trong gia phả lại có khác?

Dẫu biết rằng các ngài hiển Thánh, hiển Thần ngay từ năm 1934 thì xác phàm ấy không mấy ý nghĩa nữa. Thế nhưng, những kẻ hậu sinh mà không nhớ nghĩ đến quá khứ, không nghĩ đến các bậc tiền khai thì chắc chắn là mắc lỗi lớn. Có tấm bia nào khắc tên để nhớ đến các ngài?

Cho đến hôm nay, bao nhiêu thông tin có được chưa trọn vẹn làm day dứt chắc hẳn không chỉ mình chúng tôi. Có lẽ còn đâu đó một trách nhiệm lớn lao của những người thế hệ hôm nay đối với gia đình bà Mục Cưu, một gia đình đã hiến dâng trọn vẹn cho cơ Đạo. Có thể nói đó là một gia đình phải chiu hy sinh để gánh vác nghiệp lực, khổ nạn cho cơ Đạo miền Trung ngay từ những ngày đầu.

Con cháu của quý vị cũng như nhiều người có thể không hiểu nỗi cái giá của niềm tin đạo pháp nhưng những người tu đạo sẽ phải hiểu rõ được điều này…

Huyền An Tâm

Xem thêm chủ đề: Bài viếtSử đạoTin tứcTuổi trẻ Trung Hưng