Đi tìm thông tin về vị Điển ký trong đoàn Tứ Linh: Thân Đức Giang


Sau một số lần, trong nhiều năm tìm tư liệu về chư vị tiền bối có công trong giai đoạn sứ mệnh đem Đạo về Trung, chúng tôi vẫn còn canh cánh bên lòng những thông tin còn thiếu sót về rất nhiều người. Trong ấy, có một vị là điển ký của đoàn Tứ linh đồng tử – Thân Đức Giang, con rễ của bà Mục Cưu.

Đọc Hồi ký Thanh Long, chúng tôi cũng đã cố gắng để phác họa hình ảnh của tiền bối, thế nhưng cũng chỉ là một số tình tiết liên quan ít ỏi. Đoạn Thánh giáo Thầy điểm hồng danh cho tiền bối khi lên đường nhận lãnh sứ vụ về Trung dường như là đã tóm hết những ý nhiệm sâu xa liên quan sinh mệnh một con người:

“Giang đã biết nơi này là khổ
Quyết đem mình đến chỗ vô sanh
Dốc lòng cùng bạn cùng anh
Làm trai nghĩa vụ hy sinh mới là
Thầy đã nói Đạo là phương thuốc
Con phải nhìn thời cuộc đa mang
Bệnh nhân gặp đặng danh lang
Còn vương lấy bệnh tại chàng muốn vương”
.

Thánh Tịnh Đại Thanh, 23-24/8/Giáp Tuất

Đức Nam Cực Tiên Ông thì nhắc tiền bối: “Giang nhớ rằng phước tội cùng ta
Đồng thời, Ngọc Quế Chi Lan Thần cũng nhắc đến tiền bối trong đoạn Thánh giáo tiễn hành lên đường về Trung: “Giang Ngân sắc nước lạt màu”.

Hơn một năm trước đây, chúng tôi có nghe thông tin là đã tìm được nơi chôn cất của tiền bối Thân Đức Giang, do nỗ lực của giòng họ Thân ở Câu Nhí, Điện Bàn. Biết là thế mà dòng đời cứ mãi cuộn trôi, chưa một cơ duyên tốt để tìm đến những người thân của tiền bối để tìm hiểu thực hư.

Thế rồi cũng dần đến kỷ niệm 80 Đạo truyền về Trung, 80 năm sứ vụ truyền giáo của đoàn Tứ linh đồng tử, một lần nữa thôi thúc chúng tôi lần tìm về những trang sử cũ với những bậc tiền bối một thời góp công khai phá mảnh đất đạo miền Trung này…

Một ngày tháng trung tuần tháng 3 năm Giáp Ngọ, chúng tôi biết có một người cháu của tiền bối Thân Đức Giang ở căn nhà số 70 Pasteur Đà Nẵng, nên cố đến để tìm hiểu về tiền bối, một điển ký trong đoàn Tứ Linh ngày nào.

Cánh cửa sắt không khóa, chúng tôi đánh bạo mở cửa và lên tiếng hỏi người trong nhà. Ra tiếp là một phụ nữ khiến chúng tôi cũng lúng túng không ít trong giao tiếp ban đầu, hơn nữa khi mà chúng tôi cũng chưa biết chủ nhà tên gì, chỉ biết là cháu gọi ngài Giang bằng chú ruột.

Người phụ nữ cho biết cô không phải chủ nhà, nhưng đúng nhà này họ Thân và có người chú tên đó. Nhưng chủ nhà đã đi đám tang vắng nhà và bảo hãy chờ người chồng của cô đang ở bên ngoài sắp về.

Chúng tôi cũng không phải đợi lâu, một người đàn ông khoảng thất tuần đẩy cổng vào nhà. Chúng tôi tự giới thiệu và nêu lý do vì sao mình đến đây. Ông thích thú đón tiếp vì ông mới từ Mỹ về mà gặp người quan tâm đến người thân tộc của mình.

Ông tên là Thân Trọng Lư, gọi ngài Thân Đức Giang bằng chú ruột. Ông kể rằng 2, 3 năm trước đây, gia đình tộc họ có nhờ Phan Thị Bích Hằng về Điện An để tìm kiếm mộ phần người chú. Và Bích Hằng đã chỉ ra rằng, xác của ông chú Thân Đức Giang đã ở chung trong một hầm mộ tập thể cả ngàn người và phần xương của ông nằm giữa hai phần mộ có bia, ông Lư chỉ nhớ một mộ tên là Phan Hiển Vinh tại nghĩa trang xóm 6, Lái Thiêu, Bình Dương. Gia đình đã tìm đến nơi và thấy đúng là có hai mộ tên như vậy trong nghĩa trang đó. Gia đình đã tin và đặt bia cho cụ Thân Đức Giang ngay giữa 2 phần mộ ấy. Ông Lư đã cùng cháu con làm bia cho người chú út trong gia đình, ông đã đặt cho câu đối thờ trên bia như sau:

“Sanh Câu Nhí Nam du lập nghiệp
Tử Lái Thiêu Pháp sát ký thân”.

(Cũng cần nói thêm rằng, ngôi mộ tập thể ấy có cả thân nhân của Thủ tướng đương thời, nên cũng có phần quan tâm chăm sóc.)

Ông cho biết thêm rằng gia đình đã tìm kiếm hỏi thăm được cụ Thân Vĩnh Mau năm nay khoảng 89 tuổi, ngày ấy cũng đi chung với tiền bối Giang nên có biết việc cụ Giang bị mất tích thế nào. Tuy nhiên con cháu không hề biết về những ngày tháng của chú mình tham gia đạo Cao Đài ra sao, đã có công đem đạo về Trung như thế nào? (Còn định lên chơi Tây Ninh và để tìm hiểu về chú mình nữa!)

Có lẽ khoảng những năm 1945, khi tình hình đất nước rối ren, cơ Đạo tại Trung đang hồi nguy khốn, các anh lớn bị bắt bớ, tiền bối Thân Đức Giang đã trở vào Nam, lang thang làm nghề đóng giường tre đi bán dạo. Một hôm ở Lái Thiêu, quân Pháp đang đi trên đường, có anh dân quân du kích đã ném lựu đạn vào chúng, thế là giặc Pháp đã rượt đuổi theo anh ta. Khi ấy, tiền bối Giang cũng hoảng sợ bỏ chạy, thế là cuối cùng chúng không bắt được anh dân quân kia mà quay sang bắt những người tình nghi trong đó có tiền bối. Đó là ngày 21/7/ÂL. Gia đình cũng hoàn toàn không có tin tức gì từ đó. Và thế là ngày giỗ tiền bối xưa nay gia đình chọn ngày 21/7/ÂL thế nhưng Bích Hằng thì bảo rằng ngày giỗ là ngày 11/4/AL mới đúng.

Được biết, cha tiền bối tên là Thân Nhàn, mẹ là Đinh Thị Hương. Hai ông bà đã sinh hạ 6 người con, 4 trai, 2 gái:

Người con đầu là Thân Vấn: 1903 – Quý Mão, tiếp theo: Thân Thị Khai 1905 – Ất Tỵ. Thân Hữu (tức Hợp) 1908 – Mậu Thân, Thân Thị Tịch 1910 – Canh Tuất, Thân Môn 1912 – Nhâm Tý, cuối cùng Thân (Đức) Giang 1914 – Giáp Dần.

Nếu năm sinh đúng như thế thì ngày đem Đạo về Trung 1934, ngày chỉ mới tròn 20 tuổi. (Hồi ký Thanh Long ghi 25 tuổi!?)

Tiền bối lấy bà Lê Thị Niêm con của ông bà Mục Cưu, sinh ra 3 người con: Thân Đức Năm đã chết, Thân Thị Hượt hiện ở Florida Hoa Kỳ, Thân Thị Lang đang sống Biên Hòa. Cả hai cô con gái, sau này theo đạo Phật và đặc biệt cô Lang cũng ăn chay trường.

Ông Lư hứa hẹn sẽ gởi thêm thông tin, hình ảnh mộ sau khi về lại Mỹ. Chúng tôi cũng cảm thấy một chút nào đó được an ủi với những thông tin có được này, góp phần cho những kẻ hậu sinh tiếp tục những nghiên cứu về lịch sử của cơ Đạo miền Trung đầy bi thương hung tráng.

Đà Nẵng, tháng 3 năm Giáp Ngọ (4/2014)
Huyền An Tâm

Xem thêm chủ đề: Bài viếtSử đạoTin tứcTuổi trẻ Trung Hưng