Vài sự kiện huyền diệu trong công cuộc truyền đạo Trung Kỳ


DẪN NHẬP

Trong ơn cứu độ kỳ ba, sự vận chuyển của Các Đấng Thiêng liêng trong buổi ban đầu mở Đạo rất huyền vi mầu nhiệm. Đã không biết bao nhiêu con người trở thành tín đồ Cao Đài, bao nhiêu vùng đất trở thành vùng Đạo là nhờ phần lớn đến yếu tố thiêng liêng nhiệm mầu hiển hiện dẫn dắt.

Nhìn lại những năm 1920, thời điểm khởi thủy của Đạo Cao Đài, đất nước ta chia làm ba miền: Nam kỳ là thuộc địa, Trung kỳ là xứ bảo hộ, Bắc kỳ là bán thuộc địa của Pháp. Là thuộc địa, người dân Nam kỳ phải chịu nhục nhằn trong cảnh bị người nước ngoài cai trị, tuy nhiên, do phải theo chế độ của mẫu quốc nên chừng mực về chính sách tôn giáo tại đây cũng có phần tự do hơn tại Trung, Bắc kỳ. Vì thế, trong khi đạo Cao Đài đã được khai mở tại Nam kỳ hơn 12 năm rồi mà tại Trung kỳ, dưới triều Bảo Đại, việc truyền đạo lại bị bắt bớ ngăn cấm. Tuy nói Trung kỳ dưới quyền của triều vua Bảo Đại nhưng thực quyền của triều đình đã không còn, mọi sự đều phải thông qua chính quyền Pháp tại thuộc địa. Để cai trị lâu dài, thực dân Pháp khôn ngoan tùy miền mà áp dụng những chính sách khác nhau gọi là “chia để trị”, vì vậy, việc bắt bớ ngăn cấm đạo Cao Đài bởi triều Bảo Đại có bàn tay của thực dân Pháp bên trong là điều tất yếu (đã có nhiều tài liệu nghiên cứu minh chứng).

Từ năm 1928 đến 1930, nhiều Anh lớn từ Nam ra Trung truyền đạo như: Trương Hữu Đức, Nguyễn Ngọc Thơ, Vương Quan Kỳ, Thái Văn Gấm đều bị Nam triều ngăn cấm bắt phải trở về lại Sài Gòn. Có lẽ truyền đạo ra Trung, Bắc là một thách thức mà Ơn Trên muốn con người can dự vào để cảm nhận, thấu hiểu và trả giá… Trước đây, từ miền Nam, Thầy đã dùng huyền diệu mở đạo, đã giáng dạy các anh lớn thuở ấy trọng trách truyền đạo ra Trung:

“Từ đây nòi giống chẳng chia ba
Thầy hiệp các con lại một nhà
Nam, Bắc cùng rồi ra ngoại quốc
Chủ quyền chơn đạo một mình ta”. (TNHT, 15-9-Bính Dần)

Thế nhưng, con đường về Trung bởi lực người vẫn chưa thông…

NHỮNG SỰ KIỆN HUYỀN DIỆU CHUYỂN ĐẠO VỀ TRUNG

1. Huyền diệu ơn gọi Tứ Linh
Đêm mồng một tháng 10 năm Quý Dậu (1933), đàn cơ tại nhà Đạo Trưởng Lê Kim Tỵ (tức Huỳnh Long phủ), Đức Lý Giáo Tông sai đòi Lương Tam Sách cùng Lê Văn Phụng, Lê Văn Qui, Trần Công Sĩ để có lịnh dạy. Đạo Trưởng Lê Kim Tỵ hỏi những tên đó ở đâu, Đức Lý bảo giao cho Trần Công Bang, Lê Văn Liêm, hôm ấy hai anh cũng có mặt hầu đàn.

Việc tìm kiếm những người có tên gặp khó khăn ở nhân vật có tên là Lương Tam Sách. Vì bởi Lê Văn Phụng, Lê Văn Qui là em của Lê Văn Liêm, Trần Công Sĩ em của Trần Công Bang hiện có mặt tại Sài Gòn.

Trong nhóm đạo quanh gia đình bà Mục Cưu, mẹ của Lê Văn Liêm tại Bất Nhị, Điện Bàn lúc bấy giờ có Lương Hữu Thành cùng chơi với Phụng, Qui. Tuy họ chơi thân nhưng không ai biết Lương Hữu Thành tên tộc là Lương Tam Sách. Quý anh lúc này mới gởi thơ cho Thành hỏi có đúng là Tam Sách thì vào Sài Gòn gấp. Quả đúng có sự linh cảm, khi đó Lương Hữu Thành đang ở nhà bỗng sốt ruột muốn vào Nam theo anh em bạn. Anh xin phép mẹ đi thăm chi ruột tại Sài Gòn khi mà lá thư kia chưa kịp đến. Và thú vị sao, đặt chân đến đất Sài Gòn, khi vừa tìm đến nhà bà Mục Cưu, quý anh đã hỏi han dồn dập. Quá bất ngờ, Lương Hữu Thành đã được ơn trên gọi, mà gọi bằng chính tên Tộc của mình, cái tên chỉ nằm trong gia phả không ai trong gia đình được quyền gọi đến.

Và từ đó, Lương Tam Sách 16 tuổi, Lê Văn Phụng 18 tuổi, Lê Văn Qui 15 tuổi, Trần Công Sĩ 13 tuổi đã trở thành Tứ linh đồng tử: Thanh Long, Bạch Phụng, Kim Qui, Xích Lân có nhiệm vụ phò cơ trong đại cuộc phổ truyền chơn đạo Trung kỳ.

Hôm nay nhìn lại công cuộc do sự diều khiển của Thầy mới thấy hết sự mầu vi. Còn nhớ lúc về Trung, Thầy dạy: “Vẫn biết về Trung là khó, các con phải chịu khó hơn hết, mà không sao con, chi chi cũng có Thầy. Nếu Thầy sai một con nào có tên tuổi thì e không khỏi điều trắc trở”. (TT Đại Thanh, 23/8/Giáp Tuất-1934)

Và khi Ngài Lê Kim Tỵ lo lắng xin đi theo Tứ Linh vì còn quá nhỏ, thì Thầy dạy: “Thầy rất khen ngợi con vì Đạo, vì nhân sinh, điều con ưu tư rất đúng. Nhưng con ơi! Trước kia Trương Hữu Đức nguyện mở đạo Trung kỳ, Thầy thuận cho nhưng đã làm được đâu. Đến Vương Quan Kỳ, Nguyễn Ngọc Thơ xin ra Trung cũng bất thành. Nếu bảo là danh vọng uy thế thì ở đời này các con ấy đã thành công rồi. Nay Thầy quyết định giao sứ mạng truyền đạo Trung kỳ cho các em con, là sứ mạng của những kẻ vô danh…” (TT Đại Thanh 1/9/Giáp Tuất)

Có nhìn lại bộ phận Tứ Linh với trọng trách lớn lao nào tưởng sẽ đi đến tận cùng con đường đại nghiệp vậy mà giữa đường bỗng nhiên rã gánh, mới thấy được mầu vi của Thầy, mới thấy được sức ma tà khảo thí, mới thấy không thể suy nghĩ giản đơn mọi sự phó mặc cho Thầy Trời đầy uy quyền….

Về Trung rồi, chưa được bao lâu, tháng 4 năm Ất Hợi, Kim Qui phát trọng bệnh. Tiếp đến tháng 6 năm đó, Bạch Phụng đang phò cơ bình thường, sau lễ khánh thành Thánh tịnh Thanh Quang, anh về nhà bỗng đột ngột qua đời. Vậy là ứng hiện lời Thầy dạy năm 1934:

Giáp nơi nơi phô trương quảng đại
Ất con còn mắc phải tai nàn
Thanh Từ trổ mặt quang quang
Hiệp Thiên sớt gánh chia đàng Bắc Trung

Trong hoàn cảnh đó, ai không tránh khỏi băn khoăn, sa sút tinh thần về sứ mạng: “Phổ truyền chơn đạo khai giáo Bắc Trung”?

Đêm mồng 6 tháng 6 Ất Hợi, cặp đồng tử tạm thay là Thanh Long – Xích Lân, Thầy giáng dạy, nhắc lại vai trò Trần Quang Châu trong đoàn chính là lúc này thay cho Bạch Phụng và ban cho đạo hiệu là Bạch Hổ cùng với Thanh Long một cặp đồng tử mới. Nhìn lại Thánh giáo dạy ngày 23/8/Giáp Tuất, khi dạy đến anh Trần Quang Châu, mới thấy hết mầu vi sắp đặt của Thầy:

“Châu độc giả lo tròn độc giả
Phận sự con Thầy đã định phòng
Bao giờ Hổ hội cùng Long
Bên ngoài sắp đạt bên trong an bài”
Còn Bạch Phụng thì Thầy đã dạy:
“Bạch Phụng con mạng Trời phụng lãnh
Gánh nhơn sanh là gánh chung cùng
Vì ai, ai đợi, ai trông
Cây ngô dấu phụng đã không thấy rồi”

Và Kim Qui trên giường bệnh đau đớn, 5 tháng sau qua đời, lúc ấy, cũng không thiếu phần Thầy căn dặn từ trước:

“Kim Qui con thì thôi nhân sự
Cuộc tuần hoàn hỏi thử sao đây
Bươn theo cho kịp gót Thầy
Cam lai khổ tận hiếm ngày đó con”.

Rồi cũng từ đó, Xich Lân thối chí nản lòng, trong dạ sinh nghi ngờ quyền năng của Thầy, buông bỏ sứ mạng. Điều ấy, Thầy cũng đã khuyên nhắc:

“Xích Lân nhớ lo tròn phận sự
Cùng anh em vẹn giữ thuỷ chung
Phong sương tùng mới phải tùng
Đường xa vững chí ngại ngùng chi con”

Trách sao được, bao cảnh tang thương, khốn khổ, tù tội đang chực bủa vây chung quanh một nhòm người bé nhỏ, một đồng tử mới 13, 14 tuổi. Thật đau lòng, nhưng tất cả đã nằm trong Thiên ý của Thầy. Để rồi cuối cùng Tứ Linh, chỉ còn lại Thanh Long – Bạch Hổ:

“Long con hãy nặng phần trách nhiệm
Bảng Qui, Lân, Phụng nhắm rừng non
Lời Thầy gắng nhớ nghe con
Dầu chi đi nữa cũng còn Thầy đây…”

Hay:
“Đến trường thi Phụng, Qui chiếm bảng
Bảng trêu lên nào bạn Lân đâu?” (Ngọc Quế Chi Lan Thần)

Khi nhìn lại tổng thể ơn gọi Tứ Linh, chúng ta mới thấy hết được sự mầu vi huyền diệu, mới thấy được sự sắp đặt chi li của Thầy đến từng con người, từng sự việc dù cho sự việc đó xảy ra không hoàn hảo theo ý muốn của con người:
“Việc hôm nay phải đến cho các con, Thầy đã dạy từ trước và Lý Giáo tông cũng đã biện minh rõ rồi. Thầy rất buồn thương cho số phận đồng tử Tứ Linh, nhiệm vụ chỉ có bấy nhiêu, mở đầu cho một sứ mạng, sứ mạng Trung hưng chánh pháp, phổ truyền chơn đạo, một sứ mạng trọng đại vĩnh cửu, các con phải kế tiếp nhau đi mãi đưa vạn linh đến chỗ Cao Đài…” (TT Từ Quang 6/6/At Hợi)

Và huyền diệu thay một Lương Tam Sách 16 tuổi chưa danh phận gì trong đạo ngoài đời, trong ơn gọi của Thầy đã trở thành đồng tử Thanh Long, rồi là Đạo Trưởng Thanh Long, trụ cột của Hội Thánh Truyền giáo Cao Đài mãi về sau này.

2. Huyền diệu Trung Thành, công khai nền Đạo tại Trung kỳ
Đạo về Trung, khởi thủy ở Thanh Quang, Từ Quang năm 1934, phát triển ra một số địa phương khác ở Điện Bàn, Đại Lộc… tuy nhiên phải mãi đến 1938, khi mà Thiêng liêng vận chuyển bao Đạo trưởng từ miền Nam ra xây cất Trung Thành thánh thất thì cơ đạo mới có hồi hanh thông. Từ năm 1937, Thầy chuyển ngài Ngọc Chưởng Pháp Trần Đạo Quang, ngài Bảo Đạo Cao Triều Phát ra Trung lần thứ nhất để quy nguyên các môn đệ Minh Sư, nhờ Thượng thư Phạm Quỳnh can thiệp với Nam triều không làm khó đạo Cao Đài, rồi lần thứ hai theo Thánh lệnh tạo lập Thánh thất Trung Thành ở Tourane, đất nhượng địa của Pháp thuận tiện việc tiếp xúc Bắc Nam (mà ban đầu dự kiến tạo dựng Hưng Trung Thánh Tòa).

Thật là một ý tưởng chỉ có Trời nhìn thấy, khi mà cả Đà Nẵng lúc bấy giờ chưa có một đạo hữu Cao Đài nào thì ai bảo con người thế gian dám mở Thánh thất. (Thật sự có vài chục người theo Cao Đài thuộc Tây Ninh lúc ấy, do Ngài Thái Văn Gấm vâng lệnh ơn trên ra Quảng Nam truyền dạo, bị chính quyền bắt cởi áo đạo trả về Sài Gòn, mấy năm sau, ngài ra lại Đà Nẵng mở văn phòng qui tụ nhóm bổn đạo này, nhưng lúc ấy không có liên lạc với cơ truyền giáo Tứ Linh này). Cuối cùng một khu đất rộng do ngài Trần Đạo Quang đứng mua với sự giúp đỡ phần nhiều của bổn đạo Minh Sư ở Quảng Nam – Đà Nẵng đã cất nên Thánh thất Trung Thành sau đó.

Trong khi mua được đất rồi, quý anh lớn đã mua ba ngôi nhà tranh sườn gỗ vách tre cất tạm làm nơi thờ Thầy và sinh hoạt. Trong đêm 10/3/Mậu Dần, Thầy giáng cơ khai đàn tại Thánh thất Trung Thành. Đêm ấy, một sự kiện đặc biệt đã diễn ra, làm cho đức tin của những người mới vào đạo thêm phần mạnh mẽ. Nguyên đêm đó, có một nhân vật tên là T.V.T có làm bài thơ thất ngôn bát cú bỏ vào phong thư, kèm một nùi giấy chuẩn bị châm lửa đốt ngôi thất bằng tranh ấy.
Khi cơ giáng, sau khi nhắc đàn nội nghiêm túc Thầy bảo Carlos chạy ra phía sau nhà nơi rui kề mái tranh lấy mồi lửa và phong thơ xuống kẻo cháy nhà.

Khi Carlos lấy đem vào, Thầy bảo để y trên bàn, không khui vội, rồi giáng cho bài thi họa nguyên vận bài thơ trong phong bì đã niêm:
“Rõ thấu lời con trẻ hỏi dây
Làm cho đau đơn thửa tâm Thầy
Cơ Trời xáo trộn trên năm cõi
Mối đạo thẳng dùn chỉ một tay
Khôn dại hư nên Thầy cũng độ
Thành không vận mạng đó con này
Bóp lòng khó trả lời tâu hỏi
Lửa đốt khuyên con biết có Thầy”

Sau khi khui phong thư đem bài thơ của T.V.T như sau:

“Lòng phàm xin hỏi mấy lời đây
Nếu thiệt không trung hẳn có Thầy
Cứu thế bao nài là khổ trí
Độ đời há lại thiếu gì tay
Dùng chi những kẻ lòng tôm cá
Cơ hội ngày nay đến nỗi này
Muôn lỗi xin dùng mồi lửa đỏ
Trung Thành đốt cháy ắt không Thầy”
T.V.T

Điều cũng cần nói thêm là Carlos, người Pháp lai, trong bổn đạo nghi là làm ở Sở mật thám Pháp. Khi ban đầu, Carlos đến chùa Bảo Nghiêm gặp Đức Trần Đạo Quang, nhiều người Việt thấy anh ta là tránh xa hoặc tìm cách lảng đi khác vì sợ bị theo dõi…. Đêm hôm đó, Thầy sai chính tự tay Carlos đang hầu đàn ra ngoài lấy mồi lửa. Sự việc càng làm cho Carlos tin tưởng hơn và bổn đạo càng vững lòng tin vào nền đạo mới hơn. Carlos rồi Ba Thái (một tay anh chị ở đà Nẵng nhập môn) đêm ấy lạy rối rít. Sự việc cũng làm cho những thị phi ở Trung Thành cũng chấm dứt, khi mà những người muốn nhảy vào lãnh thầu công trình xây dựng đã dèm pha chia rẽ Nam – Trung, kích hoạt tinh thần cục bộ địa phương của các cụ tại miền Trung như Lê Trí Hiển….

Điều này, lật lại Thánh giáo dạy 8/9/Giáp Tuất – 1934, khi giao sứ vụ tiễn Tứ linh về Trung, Đức Đông Phương Lão Tổ cũng đã tiên báo trước:

“Dần thành lập Trung Thành thánh thất
Là cái ngày đạo mạch lưu thông
Hiển mích ý, Tỵ chích Long
Nhân sanh trông thấy cũng không vui lòng”.

Ôi ! Quả là một sự một sự chuyển hóa nhiệm mầu cho một nền đạo mới tại Đà Nẵng, một thành phố có ảnh hưởng đến các nơi khác trên dải đất miền Trung. Tiếng lành đồn xa, bao nhiêu người đã đến cầu đạo nhập môn, bao nhiêu bổn đạo Minh Sư đã qui tùng Cao Đài Ngọc Đế…

Quay trở lại việc xây cất Thánh thất Trung Thành, chúng ta lại thấy được bàn tay của Thượng Đế đã sắp xếp vận chuyển vô cùng kỳ diệu và chu đáo.

Sau khi ngài Ngọc Chưởng Pháp đã mua đất rồi quay về Nam vẽ họa đồ, thì Ơn Trên lại ban Thánh lệnh chuyển ngài Chưởng Pháp Lê Kim Tỵ, một người hùng tạo tác Thánh sở của phái Tiên Thiên ra Tourane xây dựng Thánh thất. Chính mối quan hệ cá nhân của cụ Tỵ với thân sĩ De Beaumont, nhờ ông ta tác động Phủ Toàn quyền tại Hà Nội can thiệp với Công sứ Pháp tại Tourane cho phép xây dựng Thánh thất. Ngoài ra, Ơn Trên đã chọn đúng người, đúng lúc khi điều chuyển Đạo trưởng Tỵ về Trung. Chỉ có một nhà thầu khoán xây dựng Lê Kim Tỵ giỏi giang mới dám tổ chức bố trí để xây dựng một công trình Thánh thất đủ Tam đài, dài 21m, rộng 9m, Bát Quái đài cao 9m, lầu chuông trống cao 12m, tường rào bao bọc chung quanh… với thời gian kỷ lục 15 ngày đêm, không kể thời gian hoàn thiện.

Như thế là với ơn thiêng vận chuyển, với bao điều huyền diệu, một ngôi Thánh thất nguy nga, tạm thời thay cho Trung Hưng Thánh tòa, đã hoàn xong, hình thể giáo hội đã hình hiện giữa lòng Tourane. Tất cả đã chuẩn bị cho ngày Công khai Đạo tại Trung kỳ, trong tiến trình của sứ mạng phổ truyền Chơn đạo Trung Bắc kỳ, Trung hưng chánh pháp.

3. Ơn gọi Anh lớn Huỳnh Thanh và cơ đạo chuyển tại Bình Định
Tại Phù Cát tỉnh Bình Định, có gia đình ông Huỳnh Nghinh có cậu con trai út thứ 12 tên là Huỳnh Thanh, vì bản tánh thông minh học giỏi, nên gia đình cho vào Sài Gòn ăn học. Vào Sài Gòn, anh Huỳnh Thanh lúc bấy giờ 17 tuổi, nhưng khai sinh mới 13 tuổi, ở trọ nhà của Giáo Hữu Trần Văn Phú, Cao Đài phái Tiên Thiên.

Hôm nọ, đi theo chủ nhà nghe tòa xử án tờ báo “Tiên Thiên tuyên bố” do cụ Lê Kim Tỵ làm chủ bút, được ngài Lê Kim Tỵ cho mấy tờ báo về đọc, anh Huỳnh Thanh đã phát tâm ăn chay trường theo chủ nhà.

Ngày mồng 1/3/Kỷ Mão, tại Thánh tịnh Đại Thanh, anh Huỳnh Thanh đi theo ông Giáo Hữu Phú đến xem lễ cúng Tý. Hôm đó, có đàn cơ dạy nội bộ lãnh đạo, bổn đạo không được dự. Anh Huỳnh Thanh, với tuổi trẻ của mình đã tò mò lén coi trộm. Không ngờ, đồng tử khai khẩu gọi Huỳnh Thanh vào hầu, anh hoảng hồn chạy trốn về chỗ ngủ. Không ai biết Huỳnh Thanh là ai, chỉ trừ Giáo Hữu Phú. Ngài Võ Công Tánh giáng cơ dạy thâu nhận Huỳnh Thanh vào đạo. Ngài sung sướng nhận lời cùng Ơn trên được ban cho bài thi có câu:

“Tuổi trẻ mà em biết trọng Thầy
Vì Thầy, vì chúng đạo hoằng khai”

Thế rồi, anh Huỳnh Thanh về nhà xin phép gia tộc, gia đình. Ban đầu gia đình bất ý vì việc anh bỏ học mà lại lo đi tu. Đến chừng anh trình bày lý đạo sau ba tháng học hỏi thì cả nhà và họ hàng chòm xóm cũng muốn theo đạo. Vậy là từ đó, anh đã độ được nhiều người, sau ba tháng cả trăm người xin nhập môn. Anh đã bị chính quyền xã, huyện, tỉnh bắt lên bắt xuông tra hỏi và bắt cam kết không được truyền bá dạo Cao Đài vì lý do Nam triều đã có chỉ dụ. Thế nhưng số người tìm đến nhập đạo ngày vẫn tăng thêm. Anh đã quyết định mang bộ tịch đạo vào Nam nộp cho Hội Thánh Tiên Thiên. Trong khi vào Nam, chính quyền địa phương đã niêm nhà và tầm nã anh. Gia đình phải báo tin bảo anh không nên về nhà nữa.

Tại Sài Gòn, anh ẩn tu tại Huỳnh Long Phủ, tư thất cụ Lê Kim Tỵ. Thế nhưng có các Thánh lệnh lần lượt từ Thánh tịnh Bồng Lai, Ngọc Điện Huỳnh Hà bảo Huỳnh Thanh ở Huỳnh Long Phủ phải về Bình Định gấp vì ở đó đạo đồ đang bị khủng bố. Anh chưa kịp tuân y vì còn lo lắng, trí não phầm phu chẳng biết tính toán thế nào thì tiếp một Thánh lệnh quở trách từ Liên Hoa Cửu Cung gởi đến.

Trong muôn phần bối rối ấy, anh được đạo Trưởng Lê Kim Tỵ hầu đàn cơ tại Huỳnh Long Phủ. Anh được hai Đại thần Hộ đạo là Võ Công Tánh và Ngô Tùng Châu giáng đàn khuyên dạy an tâm trở về Bình Đinh. Trong hành trang trở về, anh chuẩn bị các bài báo trong Tiên Thiên tuyên bố đăng về Hội Nhân quyền Bình Dân Pháp và Tổng trưởng Bộ Thuộc địa can thiệp việc cấm đạo của ba vua Đông Dương.

Ra ga mua vé về, anh sợ sệt vì sợ phát hiện theo lệnh tầm nã, thế nhưng may mắn, anh lại được một cảnh sát người Qui Nhơn muốn mua vé về quê, thương thuyết anh nhường chỗ sắp hàng để ông mua vé sớm và mua luôn cho. Vậy là anh lên tàu lửa, cùng ngồi với gia đình viên cảnh sát và thoát khỏi mọi sự kiểm soát giấy tờ tùy thân. Thật là chư Thần đã đưa anh đi về an toàn bước đầu.

Vừa về đến nhà, sau khi sắp xếp gặp gỡ người thân, làm lễ tại lăng mộ ngài Ngô Tùng Châu, anh liền bị Xã, Quận giải về tỉnh đường Quy Nhơn. Tại đây, anh đã trao đổi lý lẽ và trình cho quan Tổng Đốc tài liệu về việc ba vua Đông Dương trả lời không cấm đạo. Anh được cho về nhưng cấm không được đi đâu khỏi nhà.

Lúc ấy, tại Tòa Thánh Châu Minh, có lệnh gọi hai anh lớn Ngọc Chưởng Pháp Nguyễn Thế Hiển ở Sóc Trăng, Thượng Đầu Sư Đoàn Văn Chiêu ở Chợ Lãnh, Bến Tre lên Sài Gòn đến Huỳnh Long Phủ, lục bộ đạo tìm địa chỉ Huỳnh Thanh, để ra Bình Định gấp. Hai Đạo trưởng khi lục tìm được mới hay Huỳnh Thanh tuổi mới thiếu niên nên trong bụng chẳng muốn đi. Hai anh lớn lập đàn cơ bạch hỏi thì được Huyền Đô Đại Pháp Sư bảo hai anh lớn ra đến đó sẽ thấy được sự vận chuyển của Ơn Trên.

Khi hai Đạo trưởng lặn lội đến nhà Huỳnh Thanh ở Phù Cát thì đã thấy lố nhố bóng người theo dõi. Quan Huyện đến mời hai Đạo trưởng về phủ đường tỉnh vào sáng mai gặp quan Tổng Đốc. Có ai ngờ quan Tổng Đốc Hồ Đắc Ứng là chỗ bạn thân tình với Đạo trưởng Nguyễn Thế Hiển. Quan Tổng Đốc đã tiếp đón nồng hậu và đưa sang gặp Công Sứ của Pháp. Bất ngờ thay, viên Công Sứ lại là bạn quen của Đầu Sư Chiêu. Thế là mọi sự hanh thông, cơ đạo từ đây được dễ dàng thuận lợi.

Đến đây thì hai Đạo trưởng đã hiểu được vì sao Ơn Trên đã vận chuyển mình đến nơi xa xôi của một thiếu niên mới nhập đạo này.

Thật là một sự huyền diệu trong ơn vận chuyển cơ đạo về Bình Định. Hai phần Thiên Nhân luôn luôn hài hòa tương ứng…
Trải qua bao nhiêu thăng trầm vào tù ra tội, cuối cùng Ơn Trên vận chuyển anh lớn Huỳnh Thanh phồi hợp cùng cơ đạo tại Quảng Nam, Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Phú Yên thành lập Cơ quan Truyền Giáo Trung bộ tiền thân Hội Thánh Truyền Giáo Cao Đài.

4. Huyền diệu sống sót giữa khơi và cơ đạo Phú Yên
Năm 1945, tại Phú Yên đã có được một số Thánh thất thuộc nhiều chi phái Tây Ninh, Cầu Kho, Liên Hòa Tổng hội… Vào lúc này, mọi sự liên lạc với miền Nam bế tắc, toàn đạo Phú Yên đã cử hai vị Nguyễn Khoa Trường và Đặng Quang Minh vào Nam nối liền mối đạo.

Vì đường bộ tắt nghẽn, nên hai anh phải đi đường thủy. Xuống ghe vào ngày 6/2/1946 mãi một tháng trời mới đến Phan Thiết. Hai anh phải sang ghe chở muối để tiếp tục hành trình, nhưng đi chưa bao lâu ghe muối lại bị bắt tịch thu ghe, người bị đuổi về lại Phan Thiết. Về Phan Thiết, quý anh lại tìm được ghe cũ, lại tiếp tục vào Nam. Khi đến mũi Kê Gà, tàu bè tập trung rất đông, bỗng có tin tàu Pháp tấn công, thế là thuyền ghe khẩn cấp căng buồm ra khơi. Rủi thay, một cơn bão tố bất ngờ ập tới suốt một ngày đêm. Hàng trăm ghe thuyền, hàng ngàn con người bị nhận chìm dưới lòng biển cả.

Huyền diệu thay, hai đại biểu Cao Đài không bị chết chìm trong cơn đại nạn, các anh đã được cá ông, cứu tinh của biển cả dìu đỡ và cuối cùng tỉnh dậy thì đã thấy mình nằm trên con tàu của Pháp. Tất cả chỉ còn được 12 người sống sót. Các anh được đưa vào bệnh viện Nha Trang điều trị. Sau khi thẩm vấn, các anh được trả về Phú Yên.

Vậy là việc nối lại liên lạc với miền Nam bất thành, các anh đang lo tự mình chỉnh đốn cơ sở, tự lo phát triển. Bỗng nhiên, tháng 6 năm ấy, anh Trần Đậu từ Quảng Ngãi vào thông tin việc đạo tại Quảng Ngãi, Quảng Nam… khiến quý anh quyết định chuyển hướng ra Quảng Nam gặp gỡ cơ đạo nơi này.

Thế là từ đại nạn biển khơi, cơ đạo tại Phú Yên đã có chuyển biến mới, cùng các tỉnh Bình Định, Quảng Ngãi, Quảng Nam – Đà Nẵng, Thừa Thiên-Huế hình thành Cơ quan Truyền giáo Trung Bộ rồi Hội Thánh Truyền giáo Cao Đài sau này.

KẾT LUẬN

Còn không biết bao nhiêu mầu nhiệm mà Ơn trên tỏ lộ nơi mảnh đất miền Trung dọc dài từ Phú Yên, Bình Định, Quảng Ngãi, Quảng Nam, Đà Nẵng,Thừa thiên- Huế…. Những huyền nhiệm mầu vi đến từng con người, từng xã đạo, từng Thánh thất thật không sao kể xiết. Chắc hẳn những trang sử đạo sau này không thể không nhắc đến.

Vẫn biết những việc huyền diệu chỉ là những dẫn dắt ban đầu gây tạo lòng tin, con đường đến với đạo cần một bước dài nữa về giáo lý, về nhận thức tu tập mới mong đạt thành ý nguyện mở đạo để cứu độ nhân sinh của đấng Cha Trời trong Tam kỳ phổ độ, nhưng chắc chắn đó là những điều quan yếu cần nhắc lại từ lịch sử và cũng cần mỗi người chứng nghiệm cho chính bản thân mình trên đường tu tiến.

Huyền An Tâm

Tài liệu tham khảo:
1. Hồi ký Thanh Long Lương Vĩnh Thuật
2. Sống đạo số 07/ Quý Mùi -2003, CQPT HTTG
3. Cơ duyên và tuổi trẻ, Vân Vi, 1995
4. Sơ lược tiểu sử chư vị Hướng đạo HTTG, Nguyễn Sanh, 1999
5. Đại Đạo Quy Nguyên lược luận, Liên Hòa Tổng hội, 1938

Xem thêm chủ đề: Bài viếtSử đạoTuổi trẻ Trung Hưng