Chơn tâm thanh tịnh đạo huỳnh hoát khai


Tịnh Đường, 23/10/Quý Mẹo – 1963

THI:
Diêu Trì Kim Mẫu giáng đàn trung,
Mừng trẻ hôm nay được ngộ phùng;
Giữa cảnh đông về trời lạnh lẽo,
Đạo Trời gặp lúc phải lo chung.
Chung xây sự nghiệp của Thầy Trời,
Đạo pháp gieo truyền khắp mọi nơi;
Nam nữ gắng lo tròn nhiệm vụ,
Nguyện xưa khuyên trẻ chớ thay lời.
Lời Mẹ nhủ khuyên đã lắm lần,
Đường tu con trẻ giữ chuyên cần;
Đời là mộng ảo nên xa lánh,
Lánh để rồi con khỏi lụy thân.
Thân con dơ bẩn có ra gì,
Chất chứa dẫy đầy những tham si;
Một kiếp quyết tu về với Mẹ,
Ngàn năm muôn thuở khỏi A Tỳ.
Mẹ mừng các con!
Miễn lễ, các con an tọa tịnh tâm nghe dạy.

PHÚ:
Đời khổ não con ôi nên xa lánh,
Xa lánh mau, để mà tránh tiêu diệt buổi đời tàn;
Chớ ham mê mùi vật chất cõi thế gian,
Trăm tuổi sống có mấy ai thân vẹn giữ.
Cũng có kẻ vừa mới sinh thì đã tử,
Cũng có người năm bảy tuổi lại mạng nguy;
Cuộc sinh ly tử biệt đâu có phải định kỳ,
Mà trông đợi đến tuổi già rồi mới lo tu luyện.
Này con ôi! Chớ lửng lơ để cho tâm nhác biếng,
Thời gian đi có chờ đợi ta đâu;
Kiếp phù sinh chớ chát lấy những u sầu,
Mùi danh lợi là móc câu vào địa ngục.
Nơi thế gian hễ hưởng đầy hồng phúc,
Thì Niết bàn con trẻ khó bước lên.
Chi cho bằng lo trau giồi đạo đức để làm nền,
Nền thanh phước mới là nơi chắc thật;
Đắm say chi bả đời vật chất,
để linh hồn vùi dập cảnh tan thương.
Sớm lo tu đặng về nơi Cực lạc Thiên đường,
Hưởng cảnh sống không tử sanh bịnh lão,
Không như đời là nơi mộng ảo,
chịu dẫy đầy phiền não với lầm than,
Và phải chịu muôn vàn thống khổ.
Con không tu thì đời con phải tủi hổ,
Mẹ thương con nên thố lộ hết tâm tình;
Mong sao con đạo đức giữ đẹp xinh,
Như cảnh hạ hương sen ngào ngạt.
Tu sao được ngôi Tiên chiếm đoạt ,
Tu sao cho Phật quốc bước chân lên;
Mẹ khuyên con từ đây tâm chí phải vững bền,

Theo pháp đạo vô vi tâm truyền mà vững bước.
Tuy thời gian có kẻ sau người trước,
Nhưng lòng từ bi ân phước Mẹ không riêng;
Chỉ mong con lòng dạ giữ tịnh yên,
Dầu muôn pháp cũng về nơi mầu nhiệm.
Con hết lòng siêng năng tìm kiếm,
Mẹ cho con phút chốc sẽ đắc thành;
Mẹ lo con tâm còn sa đắm bả lợi với mồi danh;
Say vật chất để cho lòng điên đảo,
Không chịu nghe lời khuyên răn và dạy bảo,
Mẹ có thương, luật luân hồi quả báo cũng khó mà cứu độ được an.

Hôm nay Mẹ đến với các con cả một lòng thương yêu không bờ bến, nhưng dầu Mẹ có thương con bao nhiêu cũng chỉ đem lời đạo đức để khuyên răn nhắc nhở cho con trên bước tu hành. Con có chịu đi Mẹ mới chỉ đường, nếu Mẹ chỉ đường mà con không chịu đi thì Mẹ cũng vô phương cứu độ. Mẹ cũng đã vui mừng nhận thấy các con có phần tiến bộ trên bước tu hành, nhưng cũng còn lo cho con lòng Đạo còn non kém; cũng như đào giếng để lấy nước, đã đến nước nhưng nước còn đục chưa thể uống được mà phải chờ thời gian gạn lọc cho nước được trong. Nước có trong thì mới dùng được, đã dùng được rồi thì không một vật gì mà không nhờ đến nó.

Nước cũng ở nơi đất cát mà có, hễ xao động thì đục, mà yên lặng thì trong. Đục thì nước bị nhơ, yên lặng thì nước được trong trẻo. Người ta dùng nước trong để trở lại rửa những bợn nhơ đục, cũng như người của các con nó có cả trong và đục. Người tu hành muốn biến trược lưu thanh là cốt ở công phu tu luyện, tu luyện là phương pháp gạn lọc sao cho nước đục hóa ra trong. Pháp môn tuy có nhiều nhưng cũng không ngoài sự thanh tịnh. Thanh tịnh nghĩa là không để một mảy may bụi trần dính vào. Hiện nay người của các con nghiệp thức hãy còn, oan khiên chưa dứt. Con phải gia công rất nhiều nữa mới mong đến ngày thành tựu.

Bây giờ các con phải thực hiện theo những điều sau đây là nhơn, nghĩa, trung, hiếu để làm khuôn thước cho sự tu hành của mình.
Nhơn nghĩa là lòng từ bi bác ái. Người tu hành nếu không có lòng nhân thì lấy gì làm nền tảng. Ngày xưa Phật vì lòng nhân thương cho chúng sanh chịu cảnh sanh, lão, bịnh, tử mà phải chịu khổ hạnh để tìm phương giải cứu. Các con phải tập sao cho lòng mình có được đức tánh bác ái từ bi. Bác ái nghĩa là lòng rộng thương tất cả mọi người mọi vật, thực hiện lòng thương yêu đó bằng sự tha thiết giúp đỡ, thấy người đau như mình đau, thấy người đói rét như mình đói rét, thấy người tàn tật hết dạ kỉnh thành.

Nghĩa nghĩa là gặp khó khăn không từ dù đem cả thân mạng hy sinh vì Đạo cũng không tiếc, làm không mỏi không chán, luôn luôn xây dựng bản thân của mình trở nên người đứng đắn. Một lời nói một tiếng chào, nhứt cử nhứt động đều phải được đứng đắn, có chánh kỷ mới hóa nhơn. Cho đến sự ăn mặc cũng quan hệ của người tu, đối xử với mọi người thân sơ đều đúng theo khuôn pháp đạo nghĩa, gạt bỏ tất cả những điều ơn nghĩa nhỏ nhen để tránh những sự lầm lẫn đáng tiếc làm trở ngại cho bước tu hành. Con phải lấy sự đạo đức tu hành làm căn bản. Cơ khảo thí rất tinh vi, ma quỷ hết dụng danh lợi, thế quyền, tài sắc để cám dỗ, nó sẽ dùng đến ân nghĩa để lôi cuốn con vào con đường của chúng nó. Nếu con không xác định điều nghĩa cho rõ ràng thì sẽ bị nó tìm phương dụ dỗ. Tất cả những việc như anh em, chị em bạn hữu, là những thứ lôi cuốn con vào đường sai lầm, con không vì nó mà phải bỏ Đạo xa Thầy, chểnh mảng lòng tu. Những mối cảm tình ấy người tu hành nên sớm đoạn lìa, không để cho lòng ta bận bịu vì nó. Vẫn biết tình anh em chị em bầu bạn ở trong vòng lục thân, ta nên đối xử cho phải Đạo, nhưng ta phải làm chủ đừng để nó lôi cuốn ta. Cái gì làm sứt mẻ đường lối tu hành của ta thì nhứt quyết ta không chạy theo nó, hễ chạy theo nó là ta đã bị kế của ma quỷ rồi đấy.

Trung nghĩa là ta phải trung với mình, trung với người, trung với tổ chức, trung với Thầy với các bậc huynh trưởng.
Ta ở trong một Đạo, một tổ chức thì phải trung thành thủy chung với bổn phận. Trung nghĩa là không lòng một dạ hai. Ta đã tu một Thầy, học một Đạo, chung trong một tổ chức, phải một dạ một lòng để cùng nhau xây dựng sao cho được mạnh lành tốt đẹp, khổ nhọc cùng chung, vinh hoa cùng hưởng, sanh tử cùng chung. Được như thế mới đáng khí nghĩa của chữ trung. Người không giữ được chữ trung thì là người thiếu phần đạo đức, mà cũng chẳng làm nên được việc gì. Xưa nay những người bất trung bất tín sẽ bị Trời ruồng bỏ.
Mẹ khuyên các con cố gắng giữ cho trọn chớ để mất đi, mất rồi thì đường tu của các con khó mà thành đạt.

Hiếu nghĩa là một đức tốt đứng đầu của con người, hiếu với Thầy, hiếu với cha mẹ. Vua Thuấn nhờ giữ được hiếu mà tên tuổi lưu truyền, muôn đời còn noi dấu, nhưng vua Thuấn không được lệnh của cha mẹ mà nhận thiên hạ của vua Nghiêu và tự lấy Nga Hoàng, Nữ Anh làm vợ như thế có trái với Đạo hiếu không?

Nếu vua Thuấn cố chấp theo Đạo hiếu thường tình thì làm sao có được một sự nghiệp to lớn là cứu dân giúp nước xây dựng cảnh hòa bình hạnh phúc nhơn loại. Đạo hiếu không phải ở chỗ vâng lời cha mẹ là đủ. Vâng lời, nuôi nấng cha mẹ là sự hiếu nhỏ, trong Hiếu kinh, Khổng Tử có nói “thân thể phát phu thọ ư phụ mẫu bất cảm hủy phương hiếu chi thỉ dã, lập thân hành Đạo dương danh ư hậu thế dĩ hiễn phụ mẫu hiếu chi chung dã”.

Nên vâng lời cha mẹ, nuôi dưỡng cha mẹ đó là hiếu của kẻ tiểu nhân mà thôi, còn hiếu của người hiền nhân quân tử là ở nơi gánh vác công việc cho đời cho Đạo.

Một người tu đắc Đạo có thể cứu độ không những cha mẹ mà đến cửu huyền thất tổ cũng được siêu thăng.
Từ đây các con nên phá tan cái thành kiến cố chấp theo bốn đức nhơn, nghĩa, trung, hiếu để mở rộng bước tu hành. Nếu các con còn ở trong vòng cố chấp hẹp hòi thì lòng Đạo của các con làm sao đắc Đạo được. Nếu Thích Ca chiều theo ý muốn của cha mẹ cho được Đạo hiếu, ở với vợ con cho trọn niềm trung nghĩa thì làm sao có được ngày thành Phật để cứu khổ cho vạn ức sanh linh, Phật Đạo đâu có lưu truyền nơi trần thế.

BÀI:
Nầy con trẻ nghe lời Mẹ bảo,
Đặng giữ gìn tâm đạo lặng yên;
Lần lần đoạn dứt não phiền,
Đoạn lìa oan trái tiền khiên nơi lòng.
Cuộc thế tình chớ mong chớ ước,
Mà để chơn sa bước bẫy dò;
Khuyên con đạo đức chăm lo,
Trên đường Thiên đạo lần dò mà đi.
Con nghe Mẹ, khổ nguy Mẹ cứu,
Mẹ cứu con lên Cửu Trùng Thiên;
Về nơi cảnh giới vô biên,
Thân con sẽ được bình yên đời đời.
Tháng ngày được thảnh thơi vui thú,
Được dạo chơi khắp đủ cảnh Bồng;
Sen vàng đơm trổ đầy bông,
Thú vui cảnh đẹp con đồng dạo chơi.
Bốn bề có gió mời chim hót,
Giọng pháp âm bàng bạc khắp nơi;
Cảnh vui ít có trên đời,
Cảnh vui nầy mới là nơi Tiên Bàn.
Mẹ nhắc qua đôi hàng con hiểu,
Để cho con toan liệu bước đường;
Cuộc đời con hết mến thương,
Đặng con tìm cảnh Thiên đường mà lên.
Mẹ dạy con chớ quên đừng lãng,
Nghe Mẹ thì khỏi nạn trầm luân;
Rồi con sẽ được vui mừng,
Mừng ngày về được Tiên cung quê nhà.
Đời là giấc Nam Kha mộng ảo,
Đời là nơi nghiệp báo trả vay;
Con ôi chớ khá đắm say,
Đắm say chi phải đọa đày thân con.
Từ đây lo mót bòn công quả,
Từ đây con một dạ lo tu;
Tứ thời gìn giữ công phu,
Để hồn nhẹ tách ngao du cảnh ngoài.
Giờ tu luyện thần soi khí vận,
Đừng cho tâm xao động mất linh;
Chớ cho vọng thức dấy hình,
Chơn tâm thanh tịnh Đạo Huỳnh hoát khai.
Đường học tập hôm mai trau luyện,
Lý Đạo mầu luận biện cho minh;
Để giờ trì chú niệm kinh,
Lo phần sám hối tội tình giảm tiêu.
Học không cốt cho nhiều cho giỏi,
Học cốt là tránh khỏi lỗi xưa;
Tụng kinh là để dứt chừa,
Dứt chừa nghiệp thức hôm mai dấy loàn.
Cốt là giữ tịnh an tâm thức,
Cốt là ngăn nghiệp lực còn theo;
Giống lành con phải trồng gieo,
Vun phân tưới nước cho đều cho xinh.
Con phải lo giữ gìn cho vẹn,
Mình chưa xong chưa đặng dạy người;
Chớ làm những chuyện trò cười,
Thân mình còn nhớp lại bươi nhớp người.
Cây Đạo con được tươi được tốt,
Thì mới nên cho hột giống lành;
Con đừng háo lợi chuộng danh,
Lợi danh là kế dỗ dành quỉ ma.
Đôi lời Mẹ đã thiết tha,
Khuyên con gắng giữ để mà tu thân.

Xem thêm chủ đề: Tuyển tập Sống đạo