Thanh tịnh nhẫn hòa


GS. THƯỢNG VĂN THANH

 Khi chư huynh tỷ đọc bài viết này thì thêm một lần chúng ta trao đổi đạo tình, đạo sự với nhau. Chư huynh tỷ chúng ta đã gặp nhau chuyện trò đạo tình đạo sự rất nhiều lần tại nhiều nơi bằng nhiều cách khác nhau như điện thoại, uống trà đối thoại, hoặc nói chuyện với rất đông đảo anh chị em.

Chúng ta trao đổi như thế từ nhiều chục năm nay, dầu đồng tình hay trái ý vẫn cứ tiếp tục do chỗ đều tha thiết thương Thầy mến Đạo, cùng là huynh đệ đồng đạo, là bạn đồng tu.

Chúng ta tu như thế nào? Xin nghe lời nhận xét của Nam Cực Tiên Ông:

Bây giờ nói tu, thì người Thiên ân, kẻ đạo hữu cũng không biết tu làm sao nữa. Tu rồi, ai cũng ăn chay giữ giới, ai cũng cúng sám quì hương, hơn nữa, người Thiên ân thì xuất gia ly tục là tu rồi. Giờ còn tu sao nữa?

Phải vậy. Tu là thế. Nhưng ở đời không phải tu bao nhiêu đó mà an thiên hạ, được siêu phàm.

Tu là sửa, sửa mọi nết xấu tật hư. Nhưng cái gốc của nó cần được gia công trừ khử. Nên mọi người nhìn lại sự thất bại của mình, của đoàn thể mình, của chi phái bạn, nói chung các tổ chức trên mặt địa cầu đều bởi cơ tâm làm xáo đổ cả trật tự. Cơ tâm đã manh khởi lên rồi thì dầu có khôn ngoan đến mấy cũng không còn thuần chất thánh tâm nữa. Xây dựng cơ tâm được mạnh lành trọn vẹn và phải đem nó trở về nơi trong, giữ nó cho còn thanh tịnh.

(THBT, 05/7/Canh Tý – 1960)

Trong bài Thánh giáo này, Đức Nam Cực Tiên Ông có nhắc đến sự nhìn lại cái thất bại của mình. Nhìn lại sự thất bại của mình có phải là nhìn lại sự thất bại của mỗi anh chị em chúng ta không? Nhìn lại sự thất bại của đoàn thể mình có phải là nhìn lại sự thất bại của xã đạo, của Họ Đạo chúng ta và có thể là của mỗi Cơ quan trong Hội Thánh chúng ta không?

Theo lời Đức Nam Cực Tiên Ông thì tu là thứ nhất ăn chay, thứ hai giữ giới, thứ ba cúng sám quỳ hương và hơn nữa đối với Thiên ân chức sắc là cắt gia ly tục. Nhưng làm bốn điều đó chưa đủ. Thực tế tu bao nhiêu đó chưa an được chính mình, chưa an thiên hạ, chưa siêu phàm nhập Thánh. Tệ đệ xin dẫn chứng: Chúng ta cần nhìn lại thực tế. Không nói đến các hiện tượng tưởng là tu như van vái Trời Phật nơi tín ngưỡng dân gian cầu tài lợi, đỗ đạt, thăng quan tiến chức mà chúng ta trực tiếp chứng kiến hoặc xem thấy trên các phương tiện truyền thông. Cũng không nói đến tệ nạn xâm phạm tình dục của một số tu sĩ ở Âu Mỹ. Hãy nói về huynh đệ của chúng ta hoặc ở đây, hoặc ở nơi xa. Chúng ta ăn chay, trì giới thọ châu… nhưng tại sao tình trạng bất tịnh, bất ổn tuy không giống hoặc không nặng nề như các hiện tượng thế gian vừa nêu trên vẫn xảy ra?

Xin thưa! Thứ nhất đây là sự bất ổn, bất tịnh trong cộng đồng huynh đệ. Như chúng ta đã biết, trong năm 2012 – 2013, đã xảy ra một số hiện tượng phản ứng như ngoài đời tại địa phương hoặc về Hội Thánh. Sự bất ổn đã xảy ra với 7 đơn vị tại 5 địa phương.

Hội Thánh chúng ta có khoảng 70 đơn vị lớn nhỏ, như vậy có khoảng 10% cơ phận Thánh Thể Đức Chí Tôn tại thế phát sinh vấn đề, tức là có bệnh.

Bên cạnh những bất ổn, bất tịnh mang tính tập thể còn có biểu hiện sự bất ổn, bất tịnh ở cá nhân như hiện tượng phổ biến thư từ, tờ rơi, đơn tố giác, nhắn tin. Nặng nề hơn còn có cả va chạm bằng lời dẫn đến xô xát. Đó là thực tế tệ hại không chối cãi được.

Đức Nam Cực Tiên Ông nhấn mạnh và khuyên dạy nhân sinh rằng cái gốc của sự bất tịnh, bất ổn cần được gia công trừ khử, nên mọi người cần nhìn lại sự thất bại của mình, của đoàn thể mình, của chi phái bạn. Nói chung các tổ chức trên địa cầu bất ổn là do bởi cơ tâm làm xáo đổ trật tự. Cơ tâm đã manh khởi lên thì dầu khôn ngoan mấy cũng không còn thuần chất Thánh nữa. Do vậy cần trừ khử tận gốc, cái gốc của sự bất ổn trong thiên hạ để được an ninh như lời nguyện thứ năm. Cái gốc của sự đọa phàm – tức là không siêu phàm nhập Thánh là do cơ tâm. Khi trừ diệt được sự bất an, bất tịnh thì cơ tâm phải được mạnh lành trong sạch ; đem cơ tâm về chỗ trong, giữ cho cơ tâm còn thanh tịnh.

Thanh tịnh là từ Ơn Trên dạy nhiều vào hàng thứ hai trong Thánh Truyền Trung Hưng sau chữ Hòa. Muốn gần Thầy phải thanh phải tịnh ; Tịnh định rồi bản lĩnh vững vàng. Chúng ta làm chủ thân tâm của chúng ta để không bị đọa phàm. Rủi chúng ta bị xúc phạm mà chúng ta vẫn ung dung, an nhiên, thư thái. Thanh tịnh là điều tối yếu cho người tu. Thanh tịnh là từ được dạy nhiều lần, trong đó Đức Vô Lượng Thọ Quang dạy thanh tịnh là pháp Đạo mầu vi:

Nên người Bồ Tát phải sao?

Phải tâm thanh tịnh, thanh cao nhẫn hòa;

(TT. Từ Quang, 09/01/Đinh Dậu – 1957)

Trong anh chị em chúng ta có người hiểu đầy đủ ý nghĩa từ thanh tịnh, nhưng cũng có anh chị em hiểu thiếu một nửa. Xin thưa, nghĩa thuần Việt của thanh tịnh là yên lặng, không náo động, ồn ào. Nghĩa chữ Hán thanh tịnh là trong sạch, thanh là trong sạch, tịnh cũng là trong sạch. Chúng ta là người Việt, tiếng Việt cho chúng ta từ thanh tịnh này là chúng ta được hưởng hai nghĩa trong một, rất lợi cho việc tu hành. Có thanh tịnh theo nghĩa yên lặng thì mới có thể trong sạch về thân tâm. Ngược lại, khi tinh thần, tình cảm, thân tâm chúng ta trong sạch thì chúng ta mới giữ được thanh tịnh yên lặng.

Chúng ta tu từ bậc thấp nhất là ăn chay, giữ giới, lánh xa nơi ồn ào phức tạp, năng về nhà Thánh, lo quỳ hương, cúng nước, nghe kinh. Ở bậc cao hơn chúng ta thọ châu, tịnh luyện, tứ thời thanh tịnh, dần dần thanh tịnh từng giờ, thanh tịnh từng phút và lý tưởng nhất là thanh tịnh trong từng sat-na. Tâm thanh tịnh là tâm thuần trong sạch. Chúng ta tu ở trong chừng mực còn phân biệt tốt khác xấu, thiện khác ác. Nhưng ở tầng bậc cao hơn, tâm chúng ta là tâm thuần thanh tịnh thì không còn phân biệt giữa thiện với ác, không thấy tốt với xấu, không có đối đãi.

Đức Chí Tôn dạy: Song các con gần Thầy mà chưa đạt được tâm truyền Đại Đạo, Thánh ý của Thầy. Vì lý do đó mà làm cho các con lúc nào cũng không thanh tịnh. Mà hễ không thanh tịnh thì khó đạt tâm truyền, khó phần giao cảm thông công. Nguyên nhân: Vì nóng lòng lo Đạo. Cái lòng ấy khởi sanh do thiếu thanh tịnh mà chưa đạt Đạo.

(TT. Từ Quang, 03/7/Ất Mùi – 1955)

Chúng ta nghĩ ác, làm ác là không thanh tịnh đã đành, mà khi chúng ta thực hiện điều thiện đôi khi cũng thành ra ác là do mất thanh tịnh. Xin thưa, như chuyện một người nghĩa khí rượt theo và bắt được kẻ trộm xe đạp. nếu người này đem giao cho nhà chức trách là xong phận sự. Nhưng nhân danh công lý, anh ta đánh người trộm xe đạp một bạt tai, không may dẫn đến tử vong. Thế là gây án mạng và thiện thành ra ác. Đây rõ ràng là kẹt trong cái thiện. Chúng ta cũng từng biết rằng, chúng ta có thời là nạn nhân của những người quá hiếu thiện. Khi người ta tin rằng tôn giáo của họ là tốt, họ buộc chúng ta đổi đạo. Trong việc này họ hoàn toàn thiện tâm. Rất nhiều người thuộc một số tôn giáo đã nghĩ như vậy và dùng nhiều biện pháp thực hiện việc cải đạo. Thực ra làm như vậy là kẹt trong cái thiện.

Về sự mong manh lẫn lộn tương tự như vậy chúng ta đã được Ơn Trên dạy:

 

Lẽ chánh tự nhiên có lẽ tà 

Chánh Tà hai lẽ đoán sao ra; 

(TNHT, 20 Février 1926)

Khi cơ Đạo chuyển về Trung, Thầy cũng nhắc lại ý này:

    Biết đâu trong chánh có tà,

Trong tà có chánh ai mà biết đâu!

(TT. Trung Thành,  15/11/Kỷ Mão – 1939)

Trong Thánh Truyền Trung Hưng, chúng ta đọc thấy: Vậy các con hôm nay đã thọ pháp nơi Thầy cũng phải lấy khó làm khôn, lấy hư làm thực. Cười… Hư là gì? mà thực là đâu? Các con muốn khỏi sa vào huyền ảo thì nên thanh tịnh cho nhiều mới đạt được cơ tận thức.

( TT. Từ Quang, 03/7/Ất Mùi – 1955)

Người đạt được cơ tận thức là có trình độ hiểu biết đến nơi đến chốn.

Còn người đạt được thanh tịnh là người thế nào? Đức Quan Thánh Đế Quân dạy: Xét ra chỉ người thiện căn họ hay nhàn lạc trong chốn điêu đứng của mọi người, họ tịnh an không biến chuyển theo hình ảnh bên ngoài, lòng họ lúc nào cũng sáng suốt cảm thông cùng vạn vật, nhờ đạt được cái lý mầu nhiệm bên trong, mà họ giải thoát được ra ngoài dịch hóa giả cảnh. Nhờ sự giải thoát trần tâm mà họ có những ngày giờ thanh tịnh, họ luôn luôn giao cảm được cùng Trời Đất Thánh Thần, học nhiều pháp môn giải thoát cao hơn để cầu sự giải thoát hoàn toàn và trọn vẹn, nên lúc nào lòng họ cũng gieo mầm thiện hạnh, mở lối đường lành, để chờ đón nhơn sinh những ngày hội ngộ.

(TT. Trung An, 24/5/Ất Mùi – 1955)

Trong đoạn Thánh giáo này, Đức Quan Thánh Đế Quân dùng nhiều lần từ thanh tịnh giải thoát. Kim cương, vàng bạc là quí, nhưng khi bụi kim cương, bụi vàng bạc rơi vào mắt chúng ta thì nó thành dị vật gây tai hại. Thanh tịnh là không có niệm tưởng nào trong tâm khi chúng ta công phu.

Chúng ta tu là để làm gì? Xin thưa, tu là để giải thoát. Và chúng ta chỉ giải thoát vời điều kiện là chúng ta thanh tịnh.

Nếu chúng ta dính mắc, duyên theo một vật quí, một lời nói đẹp lòng hay trái ý là chúng ta mất thanh tịnh. Thế là chúng ta bị ràng buộc. Khi đã bị ràng buộc tức là không giải thoát. Gặp tình huống có kẻ chọc tức hoặc nhục mạ nhưng nếu chúng ta đạt được thanh tịnh thì chúng ta có thể tự chế, cứ thản nhiên, ôn hòa mà không duyên theo rồi nảy sinh tức tối. Chúng ta không phản ứng lại kẻ chọc tức mình bằng những cử chỉ, ngôn ngữ như người thế gian là nhờ chúng ta thanh tịnh, đạt được giải thoát.

Chúng ta thanh tịnh và giải thoát trước hết là cho cá nhân chúng ta, sau đó chúng ta gieo mầm thiện hạnh, mở lối đường lành. Chúng ta có quan hệ huynh đệ và quan hệ độ tha. Chúng ta làm sao độ tha, làm sao giúp huynh đệ đồng đạo nếu chúng ta không thanh tịnh, không giải thoát.

Cứu đời trước phải cứu mình,

Cứu mình ra khỏi vô minh não phiền.

(TT. Minh Trung, 02/12/Mậu Tuất – 1959)

Chúng ta nên chiêm nghiệm lời dạy của Đức Quan Thánh dạy: …lúc nào lòng họ cũng gieo mầm thiện hạnh, mở lối đường lành, để chờ đón nhơn sinh những ngày hội ngộ.

Có một đạo tỷ tu học thuần thành tại Họ Đạo Trung Minh, nhà có một người con trai duy nhất, còn lại đều là gái. Chẳng may người con trai mất. Sự kiện này xem như thảm trạng, đạo tỷ ấy buồn chán nhưng rồi cũng vượt qua thử thách. Nhờ vào đâu? Đạo tỷ kể: – Tôi đến thăm Anh lớn Thanh Long, nhờ nghe một câu nói của Anh lớn mà tôi vững tin và không bỏ đạo.

Như vậy lời nói của Anh lớn Thanh Long xuất phát từ đâu? Đó chính là nhờ Anh lớn đã khéo gieo mầm thiện hạnh, mở lối đường lành, để chờ đón nhơn sinh những ngày hội ngộ.

Nhiều khi chúng ta xao lãng, một người bạn đạo đến với chúng ta vì sự bực bội về chuyện đạo, không bằng lòng với huynh tỷ nào đó, gặp nhau, chúng ta lại đóng góp thêm vào sự bực bội ấy. Nghe nói là chúng ta liền hưởng ứng, tán thành, có khi lại “thêm dầu vào lửa bằng những câu nói khích. Như vậy ta và cả người bạn đạo điều đã bị nhiễm ô, bất tịnh.

Trong Thánh Truyền Trung Hưng Giáo Pháp, Đức Mẹ dạy:

Mẹ rất đau lòng trông thấy các con đương sống trong cảnh khảo thí quá tinh vi, lòng con trở nên điên đảo, nào có thấy chi cái Đạo mầu nhiệm của Trời Đất. Đạo Trời Đất cốt ở chỗ thanh tịnh vô vi, có thanh tịnh thì lòng con mới được yên lặng, có yên lặng thì mới đón tiếp điển huệ của Thầy, người của con mới trở nên sáng suốt, nếu lòng các con điên đảo khác nào như bể cả gặp cơn gió to sóng lớn thì làm sao thấy được minh châu hiển hiện dưới đáy sâu.

(Tịnh đường, ngày 08/3/Bính Ngọ – 1966).

Thầy cũng dạy cho biết sự nhiệm mầu của tâm thanh tịnh: Tâm được tịnh thì Đạo pháp khai minh, thân được tịnh thì thần minh hiển hiện.

(Huyền Quan Đàn, ngày 13/3/Nhâm Tuất – 1982)

Ở cõi hữu vi, chúng ta còn nhiều quan hệ giao tế với đồng bào, đồng đạo thì thanh tịnh giúp chúng ta có những đức tính cần thiết, lợi lạc cho đạo tình đạo sự

Đức Vô Lượng Thọ Quang dạy:

  Nên người Bồ Tát phải sao?

Phải tâm thanh tịnh, thanh cao nhẫn hòa;

Cố Đạo trưởng Trần Chí giáng đàn tại Trung Hưng Bửu Tòa, dạy về đức nhẫn nại:

Nói nhỏ là một giờ, nói lớn là 129.600 năm. Nhỏ như một giờ mà còn một phút cũng chưa qua, huống lớn cả một nguơn, còn biết bao nhiêu mới hết. Vậy chư hiền dù muốn dù không, ưng mau ưng chậm cũng không sao được. Chúng ta phải nhẫn nại, nhiều cố gắng mới kết quả. Nóng nảy bôn ba là tự giết mình, không đem lại thành công cho vạn đợi. Đôi lúc bực tức những chướng ngại đen tối không đáng cũng muốn nạt lớn, hét to để cho u ám xé tan. Nhưng càng nạt hét càng đen tối. Chỉ có bình tỉnh là phương xua tà đuổi quỉ. Tại sao vậy? Bản Quân nói âm hào của một phút là hết. Muốn hết trước một phút cũng không được.

(THBT, ngày 15/7/Mậu Tuất – 1958)

Nóng nảy, bực tức, nạt lớn, hét to tức thì đốt cháy thanh tịnh, đen tối bao trùm.

Chúng ta may duyên gặp Đạo kỳ ba là ơn phước lớn trong thời mạt tận, xét lại việc tu hành lập công cũng chưa được như ý nhưng muốn tiến tu phụng đạo nhất thiết phải tập được đức nhẫn. Đó là việc khó mà ta không làm được thì rất chướng ngại trên đường tu đức sống đạo. Chúng ta không như thiên hạ ngoài đời là có va chạm về danh dự hay quyền lợi liền nảy sinh sân giận rồi nổi nóng. Trong sinh hoạt đạo chúng ta tưởng có thể nổi nóng nhân danh vì Thầy vì đạo nhưng coi chừng phản tác dụng. Ngài Trần Chí dạy: Đôi lúc bực tức những chướng ngại đen tối không đáng cũng muốn nạt lớn, hét to để cho u ám xé tan. Nhưng càng nạt hét càng đen tối.

Đây là kinh nghiệm của quí báu và sáng suốt của bậc tiền bối. Chúng ta phải nhớ: Chỉ có bình tỉnh là phương xua tà đuổi quỉ.

Chúng ta không nên nghĩ tà mị, ma quỷ nó có răng nanh, có sừng, hình tướng dữ tợn. Đó là hình ảnh ma quỷ thời xa xưa, hình ảnh ma quỷ ẩn dụ trong chuyện cổ tích.

Đối với chúng ta tà mị, ma quỷ là những ý niệm móng khởi, thừa cơ hội lúc tâm hồn chúng ta trống trải, yếu đuối thì nó xâm nhập vào, làm ta điên đảo, u tối. Thử chiêm nghiệm chuyện này. Cách đây nửa năm, các nhà khoa học châu Âu làm thí nghiệm trong một đường ống dài 27 km từ nước Pháp đến Thụy Sĩ và khám phá ra một loại hạt. Trước đó 35 năm, nhà khoa học Higgs đã nhận biết và tuyên bố nhưng chưa chứng minh được. Bây giờ người ta lấy tên nhà khoa học ấy đặt tên cho hạt này gọi là hạt Higgs. Hạt này không có hình thể nhưng chính nó là tác nhân tạo nên các hình thể khác. Từ chuyện này, chúng ta có thể liên hệ rằng cái tà mị trong không trung (trong cuộc sống con người) nó ở dạng vô hình vô thể tương tự như hạt Higgs, nhưng khi nó xâm nhập vào con người nó có ma lực làm con người thay đổi từ tốt thành xấu, từ trong sạch hóa ô nhiễm, từ an nhiên trở thành vọng động, náo loạn.

Trong xã hội cũng thường xảy ra lắm chuyện rất oái ăm, kỳ quái. Chẳng hạn ba bốn người bạn rủ nhau đi uống bia, trong đó có một người không thể uống nổi xin nghỉ, một người bất ý rút dao đâm. Cái đó là gì? Chính là tà mị đã nhập vào con người. Trong liệt kê các đạo sự đã nói ở trên, chúng ta biết có đến 7 đơn vị rơi vào hiện tượng đáng thất vọng như vậy. Dầu đó là chuyện xảy ra giữa những người đã nhiều năm ăn chay trường, thọ pháp tu châu, thậm chí đã tu đến bậc Tam bảo hoàn châu. Chúng ta không nên chủ quan với tà mị, ma quỷ. Hồi đại lễ khai minh Đại Đạo tại Gò Kén, Tây Ninh, chư tiền bối đã trấn thần nhưng bỏ quên một cửa nên ma quỷ lẫn vào quấy phá được. Vì vậy khi tâm tư chúng ta thiếu cảnh giác thì rất dễ bị hại. Không nên chủ quan nghĩ rằng tôi tu mấy chục năm, trường trai hành đạo, tứ thời kinh sám không thể có kẽ hở đâu.

Chúng ta cần khắc ghi lời dạy về tà mị của Đức Chí Tôn:

Buổi Bạch Ngọc Kinh và Lôi Âm Tự lập pháp “Tam Kỳ Phổ Ðộ”, Quỉ vương đã khởi phá quấy chơn Ðạo. Ðến danh ta nó còn mượn, duy ngai Ta nó chẳng dám ngồi mà thôi.

(TNHT, Dimanche, 22 Aout 1926 (15/7/Bính Dần)

Như vậy khác nào Đức Chí Tôn đã cảnh báo cho môn sinh chúng ta đừng có khinh thường tà mị.

Thầy dạy các con một điều là biết tranh đấu cùng Thầy, hễ nó tấn thì mình chống, cân sức cho bằng hay là trổi hơn mới đắc thắng. Các con chịu nổi thì Ðạo thành, các con ngã thì Ðạo suy. Liệu lấy.

Cầm cả quyền hành vô lượng nơi tay, Thầy ngó một cái cũng đủ tiêu diệt nó đặng, nhưng mà phép công bình thiêng-liêng chẳng phải nên vậy; ấy cũng là cơ mầu-nhiệm cho các con có thể lập thành công quả.

(TNHT, Mercredi 22 Septembre 1926 – 15/8/Bính Dần)

Đức Giáo Tông dạy: Các Hiền đã được nhiều Tiên tri, thì đinh ninh căn dặn lấy lòng mình. 60 phút mới đúng một giờ, đừng nóng nảy bôn ba, cũng đừng cho đó là Tiên tri giả, rồi đem lòng bội phản.

(THBT, ngày 17/7/Mậu Tuất – 1958)

Nhờ nhứt tâm tu học, trì hành các pháp môn mà tâm chúng ta thanh tịnh, nhờ có thanh tịnh mà chúng ta có lòng nhẫn nại và nhờ có tính nhẫn nại mà  chúng ta giữ được hòa ái.

Từ ngày Đức Chí Tôn giáng đàn lập Đạo đến những đàn cơ dạy Đạo trong Thánh Truyền Trung Hưng “HÒA”  là chữ được Ơn Trên chỉ dạy nhiều nhất, nhưng rất đáng tiếc là các môn đồ lại thường xuyên để xảy ra bất hòa.

Để chữa trị căn bệnh bất hòa, Bảo Thọ Thánh Nương dạy cho chúng ta cách hóa giải hiệu nghiệm:

     Nội tình nội bộ bất thông,

Chỉ tu thanh tịnh thì lòng gặp nhau.

(THBT,15/7/Canh Tý – 1960)

Nhìn lại nội tình nội bộ của chúng ta đó đây có chỗ bất thông không? Hội Thánh Truyền Giáo Cao Đài có lúc nào lâm vào cảnh nội tình nội bộ bất thông không?

Giải quyết những sự bất thông trong nội tình, nội bộ, nhiều khi Ơn Trên cho chúng ta những phương tiện là quyền pháp, luật Đạo. Trước các hiện tượng bất hòa, nhiều anh chị em còn tự tin rằng: – Tôi có thể thuyết phục được, có thể can gián ổn thỏa. Tất cả những phương tiện và lòng nhiệt tình đó cũng chỉ đem lại hiệu quả nhất định. Ai cũng sống trong quyền pháp giáo hội nhưng bất hòa vẫn cứ hiển hiện. Muốn hòa ái thương yêu thì chúng ta phải tu. Đức Bảo Thọ Thánh Nương dạy: Chỉ tu thanh tịnh thì lòng gặp nhau. Anh tu thanh tịnh, tôi cũng tu thanh tịnh thì không bắt tay cũng đã gặp nhau. Bởi vì tu thanh tịnh là đỉnh cao của tâm hồn. Một nhà tư tưởng Pháp nói: “cái gì lên cao thì gặp nhau“.

Nhìn vào thực trạng của giáo hội chúng ta hiện nay, những ai nặng lòng ưu tư việc đạo hẵn không thể không nghĩ đến tình trạng năm 1960 là năm Đức Bảo Thọ Thánh Nương giáng đàn cho câu Thánh giáo nói trên và phương cách sáng suốt tối ưu nhất để ra khỏi tình trạng bát thông vẫn là chỉ tu thanh tịnh thì lòng gặp nhau.

Mọi thiện tâm, thiện chí nên bắt đầu từ chính tự thân mỗi người. Có tự độ mới mong độ tha, tự mình sáng ra mới giúp được ánh sáng cho người. Đó là ý nghĩa của mẩu Thiền thoại sau đây:

Thời xưa ở Nhật, người ta thường dùng những chiếc đèn lồng sườn tre phất giấy trong có gắn đèn sáp. Một đêm nọ, một người mù tới thăm bạn. Khi về, người bạn biếu một lồng đèn để soi đường đi.

Anh ta nói: – Tôi không cần đèn. Ðối với tôi, tối và sáng cũng như nhau.

Người bạn đáp: – Tôi biết anh không cần đèn để soi đường, nhưng nếu anh không cầm một cái, người khác có thể chạy tung vào anh đó. Vì thế anh nên cầm một cái.

Người mù ra về với chiếc lồng đèn, và anh ta đã ra đi khá xa, một người ở đâu chạy tung vào anh ta. – Coi kìa, anh đi đâu vậy!.

Anh ta than phiền với người lạ: – Bộ anh không thấy đèn tôi sao?

Người lạ đáp: – Ðèn sáp của anh tắt queo rồi, anh ơi”.

(Góp Nhặt Cát Đá, Muju Dokyo – Vô Trú)

Đèn người ta cho mình mượn thì vẫn là đèn của người. Mình phải có ngọn đèn tự thân để soi sáng chính mình. Thầy ban trao các pháp môn, lập thành Thánh thể để dìu độ nhân sinh, hộ trì cho môn đồ tu học đúng chánh pháp để Thánh hóa tâm linh, thăng tiến về hội hiệp cùng Thầy. Việc lập Thánh sở, hành trì kinh sám, thọ trai giữ giới. . . tất cả là trợ duyên cho người có tâm đạo, có chí tu. Nhưng việc tu học tinh tấn là chuyện của của mỗi chúng ta, không ai có thể tu dùm cho ai được. Cây đèn của mình chỉ được thắp sáng khi mình chí thành tu học và công phu đúng pháp đạt tâm thanh tịnh.

Thanh tịnh giúp phá vọng, hiển chơn.

Thanh tịnh là yếu quyết để giữ cho mình mãi mãi là người có đạo và hữu dụng cho cộng đồng giáo hội và nhân sinh. Như lời Đức Hiệp Thiên Đại Đế dạy tại Tịnh đường:

Bây giờ đời đã quá đen tối, Chư Hiền là những ngọn đèn soi dẫn, nếu chỉ có đèn mà đèn không sáng thì làm sao mà soi dẫn được, vì thế cho nên phải tu. Tu là làm cho lòng mình được thanh tịnh, có thanh tịnh thì mới cảm giao cùng Trời Đất người vật. Kẻ nào không thanh tịnh dù cho có tài năng trí lực đến đâu cũng chỉ là vật vô dụng cho đời mà thôi.

(Tịnh Đường, Tý thời, 23/10/Nhâm Dần – 1962)

Xem thêm chủ đề: Tuyển tập Sống đạo