Thời pháp Cao Đài và pháp môn tận độ kỳ ba


PHỐI SƯ THƯỢNG HẬU THANH

(Bài thuyết đạo tại Trung Hưng Bửu Toà,

ngày 15/10/Canh  Ngọ – 1990).

 Thật là điều vui mừng, nền tôn giáo mới phát sinh trên mảnh đất Việt Nam thân yêu của chúng ta đến nay đã 65 năm. Nền tôn giáo ấy đã hoà nhập với bao thăng trầm trong vận mệnh chung của cả dân tộc. Vui mừng hơn nữa, lễ kỷ niệm Khai Đạo hôm nay có sự quang lâm của quí vị khách quí và toàn thể chư chức sắc chức việc cùng toàn đạo khắp nơi.

Hồi thưởng lại 65 năm qua (1926 – 1990), Đức Thượng Đế đã đến cùng dân tộc Việt Nam, đặt nền móng cơ cứu chuộc nơi đây. Ơn phước Ngài đã đến với chúng ta trong niềm phấn khởi vô cùng, chúng ta đã đón nhận ơn Ngài với niềm tin trọn vẹn và sự rung cảm sâu xa. Chúng ta đã bước đi những bước khá dài, vừa gian khổ vừa vinh quang, mà toàn thể người tín hữu Cao Đài đã đánh đổi biết bao tâm trường huyết hãn, bao con tim dào dạt yêu thương, dâng hết tâm hồn thể xác mình vì niềm tin, vì ơn chánh pháp kỳ ba tận độ. Đó là thời, pháp Cao Đài.

Nền tôn giáo mới có tôn chỉ dung thông hòa hợp ất cả các triết lý, các học thuyết, các nền văn hoá Đông Tây Kim Cổ, nhìn nhận các tôn giáo cùng một nguồn Đạo học tâm linh Trời Người, Thần, Thánh, Tiên, Phật cũng một bản lai Thượng Đế, mọi người cùng là anh em, bốn biển một nhà.

Nền tôn giáo ấy đến với dân tộc Việt Nam, làm cho dân tộc nầy có một tinh thần thương yêu thắm thiết, không phân biệt tín ngưỡng, không chia rẽ tôn giáo, không kỳ thị chính kiến, không riêng biệt tâm vật, hài hòa và khai thông được tất cả.

Nền tôn giáo ấy đến với nhân loại – đến với thế giới con người – làm cho các dân tộc trên hành tinh nầy, mỗi ngày càng xích lại gần nhau, nhìn nhận nhau cùng một Cha chung Thượng Đế. Tất cả là con cái yêu dấu của Ngài, sống trong tình thương, trong sự sống của Ngài, cảm thông tôn trọng và hợp tác giữa nhau. Đó thật là một ý nghĩa lớn, một lý tưởng cao đẹp, một nhu cầu bức thiết cho sự tồn tại và phát triển một nền văn minh nhân bản, một cuộc sống an vui thịnh vượng của loài người.

Tôn chỉ dung hoà tổng hợp của Cao Đài giáo giúp cho loài người, cho xã hội con người san bằng mọi bất công, kỳ thị, đủ để xây dựng một nếp sống văn minh tiến bộ cho mọi người, mọi dân tộc và thế giới. Nhân loại sẽ hưởng một cuộc sống hoà bình hạnh phúc, huynh đệ đại đồng, năm châu chung chợ, bốn biển chung nhà, cảnh thế gian đau khổ trở thành trang nghiêm phước địa.

Để đạt tôn chỉ mục đích như trên, nền tôn giáo mới bắt đầu cải tạo xã hội từ nguồn gốc cải tạo con người, đánh thức dậy cái lương tri sẵn có trong con người. Lương tri ấy từ nghìn vạn ức năm qua mãi chìm sâu chôn chặt trong ái ân danh lợi, trong tình thức dục vọng mê  mờ, trong thụ hưởng khoái lạc vật chất, như giấc ngủ triền miên không hề thức tỉnh.

Làm sống lại cái bản lai ấy, cái lương tri ấy, Đạo gọi là phục sinh – Phục sinh là sống lại – Sống lại cái Thượng Đế lý tính trong con người. Khi Thượng Đế lý tính được sống lại trong con người, là cái toàn năng Thánh thiện được trỗi dậy. Toàn năng Thánh thiện có trỗi dậy con người mới đủ khả năng chống lại mọi ác nhiễm vật dục.

Chúng ta cần có được những con người đó. Chúng ta có những con người đó là chúng ta có thể cải tạo và xây dựng xã hội, đặt nền móng đại đồng hạnh phúc cho thế giới chúng ta. Vì hé mở cho con người một tâm hồn giác ngộ là hé mở cho xã hội cái cánh cửa hòa bình an lạc.

Vì lẽ đó, từ nghìn xưa, tôn giáo vẫn là giải pháp toàn chân hoàn thiện nhất. Trở về với bản lai Thượng Đế là điều kiện tiên quyết nhất, đạo pháp là toà nhà cao và vĩnh cửu nhất. Toà nhà đó nay là Cao Đài hay Thượng Đế tối cao.

Từ nhiều năm qua, cha anh chúng ta, các bậc tiền bối Hướng đạo của chúng ta đã giao ước cùng Thầy: “Từ đây con biết một đạo Cao Đài Ngọc Đế, chẳng đổi dạ đổi lòng, hiệp cùng chư môn đệ, gìn luật lệ Cao Đài”. Luật lệ Cao Đài là sự thương yêu, là dung thông tổng hợp, là dứt bỏ mọi kỳ thị chia rẽ, không còn nhơn ngã thị phi, là giác ngộ tâm linh, huyền đồng cùng Đạo, hiệp một với Thầy, xây dựng đại đồng hạnh phúc cho nhơn loại.

Từ lời giao ước đó, Thiên điều luật pháp dưới đất trên trời, cha anh chúng ta là những linh hồn được ơn sống lại trong cơ phục sinh tái tạo của Thầy. Cha anh chúng ta đã thuộc về Thầy, đã trọn dâng tâm hồn mình trong ân tận độ của Thầy, đã cải tạo thân tâm, tiếp nguồn ân điển Thánh linh, đặt nếp sống đạo trong quyền năng tận độ của Thầy. Chúng ta sinh ra và nối tiếp ơn phước đó.

Thế giới chúng ta trải qua hai cuộc thế chiến thứ nhất và thứ hai, xương máu khói lửa làm khủng khiếp con người, vũ khí nguyên tử là mối đe dọa thường xuyên chiến tranh lạnh hàng nửa thế kỷ qua. Bao nhiêu nhân tài vét cạn đầu tư cho hai thế lực đối thù, quyết liệt chiếm thế thượng phong về cán cân lực lượng đã làm suy sụp, đói nghèo, mang lại cơ cực lầm than cho nhiều nước trên thế giới. Con người bắt đầu nhận thấy chính mình thiêu thân hy sinh cho một công cuộc thí nghiệm. Những khối vũ khí chiến lược, những kho nguyên tử khổng lồ, khi đụng độ tất quả địa cầu của chúng ta, loài người chúng ta sẽ tan tành tiêu diệt. Ở đây, ý thức hoà bình, ý thức cộng đồng chung sống được nhen nhúm trong tâm tư mọi người, và ở đây lương tri con người cũng bắt đầu thức tỉnh, tìm ra ánh sáng của cuộc sống là hòa huỡn giữa nhau, đổi đối thù thành đối thoại, thật là một cái gì đắng cay thấm thía, một bài học có ý nghĩa thiết thực.

Đạo Thầy đã đến với nhân loại trong thời điểm nầy. Tôn chỉ mục đích của  Đạo Thầy, bao pháp môn tận độ của Thầy đã đặt nền móng cho một giải pháp hòa bình vĩnh cửu.

Pháp môn tận độ, con đường  giải thoát tâm linh và xây dựng đại đồng thế giới, đặt trên chúng ta người tín hữu Cao Đài là một động cơ – là một chiến sĩ hòa bình. Chiến sĩ hoà bình, người anh hùng vô danh của thời đại. Gót chân người chiến sĩ hoà bình phải in trên mọi nẻo đường, trên mọi trận địa tội lỗi, dẹp phá bao kỳ thị chia rẽ, chật hẹp, chủ quan; giương cao ngọn cờ dung thông tổng hợp, gieo rải tình thương sự sống cho vạn loại chúng sinh rọi ánh sáng nơi cõi tối tăm; mở lối về cho người lạc bước, tôn vinh ngôi Thượng Đế tối cao; hiệp lòng hiệp sức cùng nhau cải tạo thế gian, chuyển lập nguơn hoà bình Thánh đức.

Thế kỷ 21 là thế kỷ của chúng ta, thế kỷ của sự tiến bộ vượt bực, tất cả đều phải bắt kịp với thời đại, phải đổi mới toàn diện. Đổi mới về mọi tư duy xã hội, sự chậm chạp riêng tư không còn đất sống ở đây, mà nền Đạo học tâm linh là một nhu cầu thiêng liêng trước bao tiến bộ của khoa học vật chất, để giữ thế thăng bằng, cái hiện tượng siêu hình luôn xuất hiện nhiều nơi trên thế giới. Tâm tư nhân loại đang hướng về một cái gì ổn định. Mọi sinh hoạt siêu nhiên đang hấp dẫn họ, họ đang tìm tòi những cái gì thiếu thốn, dó là vấn đề tâm linh.

Thế gian là trường thi tiến bộ, là lò trui rèn gạn lọc, chư Phật, Tiên, Thánh, Thần cũng từ ngã nầy mà lên. Vạn linh sanh chúng cũng phải qua ngã nầy mà định lấy số phận tồn vong tiến thối của mình. Suốt thời gian qua, toàn đạo chúng ta đã chịu nhiều đau thương thử thách, nhiều lần chùa bế thất niêm, anh tù em tội, lòng bổn đạo cũng không bao giờ quên Thầy quên Đạo; lấy tình đồng đạo làm tình nhà, lấy đức tin làm lẽ sống tâm linh, để cải tạo thân tâm men chơn trên đường thánh thiện. Người Cao Đài luôn luôn lấy khổ hạnh làm vinh, lấy lòng vị tha ái chúng làm lẽ sống an bình Thánh đức, đồng cam cộng khổ cho đến hôm nay.

Hôm nay tuy chưa cùng một giáo hội Cao Đài duy nhất, song lòng tin Thầy mến Đạo vẫn nhất quán suốt thông trong bản chất Cao Đài. Hơn bao giờ hết, chúng ta cần tập hợp mọi ý chí, mọi tâm trường, mọi nguyện lực và sở đắc về Đạo học tâm linh, hoà trong thể đạo bao la của trời đất, xoá bỏ mọi thành kiến dị biệt, mở rộng con đường tận độ, tỏ hiện được tánh suốt thông và nhất quán của nền tân pháp Chí Tôn, thích nghi với sự tiến bộ trong thời buổi hiện tại.

Thời pháp Cao Đài nói lên Đạo lớn của Trời Đất kết hợp bao chơn truyền cố hữu của nghìn xưa, với sự chứng minh khoa học thực nghiệm hôm nay, để con người có được một trình độ tâm linh tiến bộ. Sự tiến bộ tâm linh đòi hỏi chúng ta phải vượt lên trên mọi hạn hẹp của cơ năng vật chất, mọi luyến ưa của tình thức, mọi huyễn hoá của căn trần.

Con người sinh ra trong cõi dục giới mang lấy thể chất phàm trần, mà có hình có tình, nên hành động của con người là hữu vi, hữu tướng, có đối đãi sai khác biệt thù. Con người sinh ra, khởi tâm nhơn ngã, mà có mừng giận, buồn vui, thương ghét, niệm niệm dấy lên làm mờ che bản thể hồn nhiên của tự tánh.

Thượng Đế và chư  Phật, Tiên, Thánh, Thần thương xót chúng sinh mãi đắm chìm trong vòng vô minh đau khổ, tội lỗi triền miên, nên đã nhiều phen đến với con người, đem con người ra khỏi vòng đắm say luyến nhiễm, bằng tất cả các pháp môn phương tiện để cho người tự giác ngộ lấy bản thể chơn thường học nơi Đạo tịch tịnh hư vô mà phản hoàn tự thể.

Từ ngày dựng nên Trời Đất, Thượng Đế đã nhiều phen đem Đạo cứu đời, đã từng chịu biết bao gian khổ, mà hôm nay lại một lần nữa đến với con người, lập nền chánh pháp Cao Đài để đem con cái Ngài ra khỏi vòng vây tội lỗi, trở lại nguồn đầu là Đạo.

Song Thượng Đế đến với con người là đến với cảnh giới hữu hình, cái cảnh giới mà con người nghe không ngoài âm thanh, thấy không ngoài hình tướng, cảm biết không ngoài hệ não, tất cả đều hạn hẹp trong cơ năng vật thể. Thế nên Thượng Đế cũng tùy căn trí chúng sinh mà dẫn dắt chúng sanh từ gần đến xa, từ thấp đến cao, từ nơi hữu tướng mà trở lại chỗ chân không, về với bản thể bao la mầu nhiệm tịch tịnh vô vi.

Nhưng đã dùng đến phương tiện hữu tướng hữu vi là còn nằm trong đối đãi biệt thù, nằm trong luật tương khắc tương sanh để cho vạn hữu tự định đoạt lấy số phận của mình trên đường tiến hoá. Sự tiến hoá của vạn hữu đặt trên công lệ tiến thối tồn vong là những cặp mâu thuẫn, mà mâu thuẫn là cơ mầu nhiệm để hình thành trưởng dưỡng muôn loài. Đạo Trời Đất cũng từ chỗ mâu thuẫn để an định càn khôn nuôi nấng muôn loài, nên Đạo không biên giớí, không Đông Tây, trên đưới mà ở thế trung.

 “Trung giả dã thiên hạ chi đại bản, hoà giả dã thiên hạ chi đạt Đạo, chí trung hoà thiên địa vị, vạn vật dục”. Có nghĩa Trung là gốc lớn của thiên hạ, hòa là chỗ đạt Đạo của con người, đến được chỗ “Trung Hoà” thì Trời Đất yên ngôi, muôn vật được nuôi nấng.

Từ ngày khai Đạo tại Phú Quốc và Gò Kén (Tây Ninh) là Đạo đã đi vào cơ hữu tướng. Bởi lòng người không thông thấu cơ vi của Đạo, lấy mâu thuẫn làm chướng ngại, lấy sai biệt làm trường sở tranh chấp hơn thua phải quấy. Con người không thấy được rằng: Đạo là một âm một dương, một động một tịnh, đủ để an bài vạn vật chống vững Đất Trời. Nếu Đạo chỉ có một chiều, tất có dương bất sanh, có âm bất trưởng, làm chi có vạn hữu chúng sanh cho đến ngày hôm nay?

Điều đáng lo là con người không theo lẽ Đạo, không tạo được khí thái hòa, lập thể Trung, nắm cơ vi mầu nhiệm, hiệp cái tương khắc để tương sanh, điều hòa tất cả mà làm nên cho tất cả.

Vậy Đạo khai mà lòng người không thông thấu cơ mầu của Đạo, thì sự trở ngại tất không ít. Người theo bóng dáng sắc trần mà vọng tưởng phân biệt thì làm sao hoà nhập được với đại thể, để Người với Trời, Người với Đạo không xa rời gián cách. Ở đây Thượng Đế tán tụng:

“Nhược thiệt nhược hư, Bất ngôn nhi mặc tuyên đại hoá.

Thị không, thị sắc, Vô vi nhi dịch sử quần linh”.

Ở đây hữu vô là một, không sắc không hai. Trời Người vạn hữu chúng sanh là một, một đó là thể Trung.

Bổn đạo chúng ta suốt mấy chục năm theo Thầy học Đạo, nhờ sự soi dẫn của Thầy, mà cũng nhờ rút ra những kinh nghiệm từ các chi phái trong Đại Đạo, nên nơi đây chúng ta quyết mở rộng con đường Trung Đạo, hưng phục Đạo lớn của Trời Đất qua Nhất và Nhị kỳ phổ độ, xây dựng một lối về xán lạn huy hoàng cho vạn hữu  chúng sanh nương đây mà đạt Đạo.

Với tinh thần dung thông nhất quán, với thể Đạo Trung hòa, điều chế mọi mâu thuẫn, chúng ta có thể hy vọng mọi người chứng đắc được chỗ hồn nhiên vô ngại, thiên địa chi tâm, để Đạo thể nơi nầy được viên dung hoàn thiện, làm mẫu mực cho ngày sau, mà con đường Trung Đạo nơi đây luôn luôn nhắm vào chỗ trị thế chơn thường của con người mà phát huy cái bản lai vắng lặng im lìm đủ ngậm chứa Đất Trời, chở che muôn vật.

Thầy khai Đạo là đem Đạo đến với con người, mà người không làm cho mình được Đạo thì khai để làm gì? Được Đạo là được đồng nhất với bản lai, hòa nhập trong đại thể, trở lại chỗ nguồn đầu của vạn hữu vốn vắng lặng im lìm, biến thông và trường cửu.

Con người có được Đạo mới nối liền trong sự sống, tình thương và lẽ thật, mới chứng được tâm vô lậu bình đẳng. Có tâm ấy nắm pháp hữu vi mới không làm cho chánh pháp qui phàm mà con đường Trung Đạo mới sáng sủa huy hoàng, để cho chúng sanh có chuẩn đích để hướng về, giúp cho cơ cứu rỗi của Thầy sớm đạt thành kết quả, đem hết thảy chúng sanh về tận nước Thiên đàng hưởng ơn tận độ.

Chúng ta quyết noi giữ ý Thầy, ý Đạo, ghi nhớ cái ngày lịch sử hôm nay, với một tinh thần phát huy Đạo thể, khai thông con đường Trung Đạo, mở rộng lối về cho vạn hữu chúng sanh, chuyển cơ tiêu diệt trở lại cơ bảo tồn, có đủ Thiên đạo giải thoát, Thế đạo đại đồng, xây dựng cho thế giới con người một cõi đời tươi vui sáng sủa ở ngày mai. Toàn thể chúng ta nên hết sức hết lòng thực hiện con đường Trung Đạo, điều hòa được tất cả, chở che trùm bao được tất cả, đón nhận mọi sai biệt bất đồng, mâu thuẫn, để dung thông tương thành cho tất cả, không để cho một người nào, một vật nào bị cô côi tẻ lạnh, tách ngoài sự sống tình thương và lẽ thật, tách ngoài bản thể bao la của Đạo. Nhiệt thành với tôn chỉ dung hoà tổng hợp, qui hiệp vạn thù, nhiệt thành với mục đích tận độ trong cơ cứu rỗi lần ba, chúng ta cần phải nhắc nhở, phải dắt dìu những ai không tiến kịp bước đạo hôm nay, hầu làm cho mọi người trong ơn tận độ của Thầy được đồng bộ tiến lên, phát triển rập ràng không thối chuyển.

Cầu nguyện Thầy ban ơn cho toàn thể đạo tâm khắp nơi được nhiều ơn Thầy, sáng suốt tâm linh, góp nhặt bao công phu công quả, hoàn thành một tín đồ chân chính, chịu bao khổ nhọc ban đầu, xây dựng cơ Đạo, đường tu nơi đây ngày một thành công tốt đẹp.

Cầu nguyện Thầy cho thế giới chúng ta được nhiều ơn Thượng Đế. Thân gởi đến chư huynh, tỷ, đệ, muội một lòng thương yêu lân mẫn.

Xem thêm chủ đề: Tuyển tập Sống đạo