Tôn giáo nền văn minh nhân loại


TSQ. HỒ TÂN SINH

Bài viết này trao đổi về vấn đề: “Tôn giáo chính là nền văn minh nhân loại”, nhằm làm sống dậy tình đoàn kết tôn giáo, nói lên sứ mệnh tôn giáo đã và đương vì nhân loại xây đắp nền văn minh bắt đầu từ công phu quét dọn, tẩy trừ vô minh nơi tâm hồn.

I. KHÁI NIỆM VĂN MINH NHÂN LOẠI VÀ SỨ MỆNH TÔN GIÁO

 Tôn giáo chính là nền văn minh nhân loại. Quý giáo hội Baha’i đề xướng và quý giáo hội đã đồng thanh chấp nhận vấn đề. Cao Đài giáo xin nói, tôn giáo nào cũng có khả năng xây dựng cho nhân loại một nền văn minh tinh thần. Nền văn minh này càng tốt đẹp nếu được sự hòa hợp tinh hoa đạo pháp, cộng đồng sứ mệnh tôn giáo giữa các tôn giáo kiến tạo. Cao Đài giáo tuy xuất hiện vào tiền bán thế kỷ XX cũng xin nguyện làm một hòn đá trong nền văn minh tốt đẹp ấy.

Tôn giáo là gì nếu không phải là nền tảng thống nhất nhân loại, và nếu không phải chính là nền văn minh nhân loại thì tôn giáo không còn là gì nữa.

Nền văn minh nhân loại là gì nếu không phải chính là sự sống còn giữa người và người, chan hòa tình đồng loại thương yêu không phân màu da sắc tóc, không phân tôn giáo giai cấp, không phân Nam Bắc Đông Tây. Kẻ ở nước lớn giàu mạnh cũng như người sinh ra tại một vùng rừng núi côi quạnh, đều bình đẳng về quyền sống còn, nhất là không thiếu sót tình thương yêu. Tiêu biểu như chuyện một đức vua Việt Nam thương tù nhân đói lạnh, xét con mình mà nghĩ đến người dân cùng khổ, như một vị Chúa Do Thái ngồi ăn chung bàn với tầng lớp bị đời khinh thị, tự ví mình là thầy thuốc đến cùng con bệnh, như một Đức Phật Ấn Độ chẳng nệ nhận kẻ gánh phân làm đệ tử, trước mắt mình ai cũng là Phật sẽ thành. Và nếu không phải là cuộc diện nhân sinh hạnh phúc, người và người sống tự do, không bị tội lỗi dẫn dắt khiến sai (đưa nhau đến cảnh máu chảy thành sông, xương chồng thành núi) thì dù cho có khôn ngoan, tài giỏi đến đâu cũng không thể gọi là văn minh.

Văn minh có nghĩa là mức độ tâm linh, hoàn cảnh xã hội của đời người trong ngoài rạng rỡ xán lạn. Nền văn minh nhân loại đúng nghĩa phải là khoa học, chính trị cộng đồng sứ mệnh cùng tôn giáo thể hiện đời sống mới giữa loài người trọn cả hai mặt tinh thần và vật chất; tiến đến chỗ giặc cướp không còn, đói khổ không còn, tức là khắp năm châu gươm giáo được rèn lại làm lưỡi cày lưỡi liềm, miếng cơm manh áo chia cho nhau no ấm.

Văn minh nhân loại nhất định không phải là những trận chiến tranh lớn nhỏ hoặc tiêu diệt một quốc gia, hoặc tiêu diệt một đồng minh đối thủ. Tất cả bom đạn, khí giới chiến tranh ở các nước giàu mạnh bây giờ càng tinh xảo, càng độc hại bao nhiêu, càng chứng tỏ thế giới một ngày nào bị tiêu diệt, nhân loại chẳng còn gì văn minh, số người may còn sống sót sẽ vô cùng ghê sợ thứ gọi là văn minh khoa học phụng sự chiến tranh.

Nói cho cùng, dù cả nhân loại đều có tài chỉ đá hóa vàng, nấu cát thành cơm, làm đủ phép lạ, đưa nhau lên sống ở các tinh cầu đâu đâu mà tâm hồn còn vô minh, người coi người như miếng mồi ngon, ngày đêm chực tiêu diệt lẫn nhau thì chẳng có gì là văn minh cả. Khoa học bị các bàn tay chính trị tham tàn mượn làm lợi khí chiến tranh, nhân loại bị tiêu diệt dần, thử hỏi văn minh là gì. Nói văn minh không ai chối cãi được, hiện nay cái văn minh ấy là đã có người bay lên nguyệt cầu. Nhưng thử hỏi lên nguyệt cầu để làm gì cho văn minh nhân loại (theo nghĩa loài người sống cảnh người ra người, người và người bốn biển đều là anh em, người cùng Thượng Đế hợp một, Thượng Đế vô ngã vô vi, cả loài người sống trong ơn Thượng Đế che chở, tuy ở thế gian nhưng phẩm cách thần tiên đủ đầy). Nếu lên nguyệt cầu để làm giàu cho phe mình, thỏa mãn dục vọng, cho lòng người ngày càng nguy hiểm hơn, thì có văn minh cũng là thứ văn minh khoa học của một số người giàu mạnh, không phải văn minh nhân loại.

Văn minh nhân loại bao gồm chính trị, khoa học và tôn giáo hòa hợp công trình, xây dựng một thế giới hòa bình hạnh phúc, huynh đệ đại đồng, người và Thượng Đế thông giao. Nếu khoa học bị làm lợi khí sát nhân, chính trị lợi dụng cả tôn giáo vào hành động tranh thủ chính trị, thì xin đừng nói đến danh từ văn minh nhân loại. Và nếu tôn giáo không tỏ ra bất vụ lợi danh, quyền thế thì cũng xin đừng nói tôn giáo là nền văn minh nhân loại.

Sở dĩ tôn giáo chính là nền văn minh nhân loại vì tôn giáo có những giáo chủ siêu phàm và có vô số đệ tử chân tu, sống không chỉ bằng bánh mà sống bằng lời Thượng Đế, giải thoát cả lợi danh tột bực, ngôi vua, sắc đẹp không bận lòng ham muốn. Nếu được cả thế gian mà mất linh hồn họ không thèm đổi, lạy ma quỷ một lạy để đổi lấy thế gian họ cũng không thèm. Lòng họ là cả một khung trời cao rộng. Họ thà chịu chết chứ không thù oán ai. Cái văn minh của họ là lời cầu nguyện Thượng Đế xin tha tội cho kẻ giết mình. Tuy vậy, họ vẫn chẳng tự thị là Thánh là trí. “Tuyệt thánh khí trí” là công phu làm người hồn nhiên thanh tịnh của họ. Dù sống cùng thế nhân phàm tục họ luôn giữ mình đạo đức. “Minh minh đức, thân dân, chỉ ư chí thiện” là cả một công trình tự giác, giác tha, giác hạnh viên mãn, họ xứng đáng là con Thượng Đế hay Thượng Đế sống động nơi họ. Bao nhiêu ngôn ngữ, cử chỉ, hành động của họ, nói chung là tôn giáo, đã làm khuôn mẫu cho nhân loại in rập theo. Hai nền văn minh Trung Hoa, Ấn Độ chính là nền văn minh tôn giáo, văn minh tam giáo Phật, Nho, Lão.

Các nước Tây phương không những hấp thụ tinh hoa đạo pháp từ Cơ Đốc giáo, văn minh của họ bắt nguồn một phần từ Kinh Thánh. Kinh Thánh chỉ dẫn họ nhiều đời sống Đạo, mà còn chịu ảnh hưởng tam giáo ít nhiều. Ngày nay, văn minh khoa học đưa người Mỹ đến trinh độ thám hiểm cung trăng, nhưng rồi khoa học Mỹ cũng phải cầu nguyện Thượng Đế, phải nhìn nhận Thượng Đế hiện diện khắp nơi. Tôn giáo không phản khoa học, phản tiến bộ, tôn giáo luôn đứng vững ở vị trí tinh thần yểm trợ khoa học, hướng dẫn nhân loại xây đắp nền văn minh. Chính trị dù canh tân đến mức độ thiện mỹ nào, khoa học dù tiến bộ tuyệt luân, nhân loại cần phải có tôn giáo như cá cần có nước. Khoa học và chính trị không thể xây đắp một nền văn minh phi tôn giáo. Khoa học sẽ bị nguyền rủa, chính trị cũng sẽ bị nguyền rủa nếu cả hai đồng tội sát nhân. Tôn giáo có sứ mệnh thức tỉnh nhân loại thoát khỏi họa văn minh phi tôn giáo ấy. Ngày nào nhân loại biết văn minh gốc tại lòng người hết vô minh, rồi sống đời sống thanh cao thì tôn giáo hoàn tất sứ mệnh.

Sứ mệnh tôn giáo thật vĩ đại và trường cửu!

II/ SỨ MỆNH CAO ĐÀI GIÁO VÀ VĂN MINH NHÂN LOẠI

Suốt dọc hai thời thượng cổ và trung cổ, bao nhiêu vốn liếng tinh thần của cõi trời Đông đều tập trung trên đất Việt, kết thành ý thức hệ “Tam giáo đồng hành” (tức là đạo Phật, đạo Lão, đạo Khổng song song phổ biến) trải qua hàng chục thế kỷ liền.

Thế rồi, sang thời cận kim và thời hiện đại, thì thêm một lần nữa, bao nhiêu vốn liếng tinh thần của khắp cả hoàn vũ đã trung tụ lại ở trên dãi đất chữ S để biến thành ý thức hệ. “Cao Đài, bước đầu tiên của nền văn hóa tổng hợp, gây mầm sống cho nền văn minh đại đồng của thế giới tương lai” (Tạp chí Vạn Hạnh số 3 năm 1965 của Phật GiáoVN có đăng lại).

Ông Hà Việt Phương nói vậy càng nung thêm tinh thần tín ngưỡng về một tôn giáo mới cho nhiều tín hữu Cao Đài nhưng không khỏi khiến chúng tôi nặng thêm lòng ưu tư về dân tộc và đạo pháp cũng như về nền văn minh nhân loại.

Nhân loại nói chung, dân tộc nói riêng, từ xưa vốn có sẵn nền văn minh tôn giáo, văn minh tinh thần bất hủ. Chẳng đợi Việt Nam có những công trình kiến trúc đồ sộ, hay những gì nữa mới gọi là văn minh. Biết Phật giáo, Khổng giáo, Lão giáo bề ngoài văn tự danh tướng có chỗ dị đồng mà chính cái tâm vốn một. Biết được vậy rồi chấp nhận tam giáo đồng nguyên là đã có một trình độ tâm linh “văn minh” lắm rồi. Không thấy các nước Âu Mỹ người ta kỳ thị tín ngưỡng, kỳ thị chủng tộc mà vay trả nhau bằng xương máu đó sao? Biết được vậy rồi “Đạo tịnh hành nhi bất tương bội”, sao lại chẳng văn minh?

“Văn tại trung”. Văn ở lòng người. Minh cũng là ánh sáng trong lòng người. Văn minh gốc từ lòng người bày phô ra ngoài. Dân tộc Việt Nam về vốn liếng văn minh như thế không thiếu. Chỉ vì các nước giàu mạnh chèn ép, nên ngoài sức chống cự, đánh đuổi ngoại xâm để giữ còn nòi giống, không còn đủ phương lo việc kiến trúc và những gì cho các nhà bác học khảo cổ thấy nhiều hình tích văn minh tại ngoại.

Nói đến văn minh Việt Nam mà không nói đến cái vốn Rồng nhập thế, Tiên xuất tục, hai hợp thành một truyền thống tư tưởng chính trị bất vụ lợi danh; mà không nói đến cái vốn tam giáo đồng nguyên từ vua quan đến dân chúng đồng hành trên một lộ trình đạo học; vừa trung dung vừa thanh tịnh, vừa giải thoát; không nói đến cái vốn lịch sử anh hùng bất khuất ngoại xâm và không nói đến cái vốn đức tin Cao Đài trong “một ý thức hệ toàn diện” ông Hà Việt Phương nói đến mà cứ đi tìm một cái tháp để nói Việt Nam không có một cái tháp như Kim Tự Tháp, hay ít nhất như tháp Chiêm Thành, thì làm gì thấy được cái “văn minh ruột” của Việt Nam.

Thì đây, Cao Đài giáo xuất hiện tại Việt Nam cho thấy một dân tộc bề ngoài tuy nghèo yếu, từng bị ngoại bang cướp nước, nhưng quyết bảo tồn sự nghiệp tinh thần của tổ tiên lưu truyền. Hơn nữa, từ tam giáo đồng nguyên đến vạn giáo nhất lý quả đã đủ nói lên cái gì văn minh của Việt tộc.

Chúng ta đồng ý tôn giáo chính là nền văn minh nhân loại, hẳn ai cũng công nhận Cao Đài giáo chính là nền văn minh nhân loại. Cao Đài giáo và các tôn giáo đồng có sứ mệnh to lớn và lâu dài.

Tưởng chúng tôi trình bày cũng tạm có ý nghĩa tôn giáo rồi, nhưng chẳng lẽ chúng tôi lại không thưa ra một vài điều cần thiết về sứ mệnh Cao Đài giáo và nền văn minh nhân loại gọi là đóng góp sở kiến tôn giáo chung vào vốn liếng văn minh, khỏi phụ lòng chư tôn thính giả, nên xin quý liệt vị hoan hỉ, miễn thứ chỗ thiếu sót trong lời thưa sau đây, và xin thông cảm Cao Đài giáo còn trong thời ấp ủ lý tưởng tôn giáo chưa có gì đáp ứng nhiều thỏa mãn nhu cầu thời đại.

Điều thứ nhất, Cao Đài giáo có sứ mệnh cứu thế do Thượng Đế chủ lập. Thượng Đế là Đấng “hóa dục quần sanh, thống ngự vạn vật, nhược thiệt nhược hư, bất ngôn nhi mặc tuyên đại hóa, thị không thị sắc, vô vi nhi dịch sử quần linh”. Bản thể Ngài vi nhiệm. Phật mười phương hay Chúa Cơ Đốc, Thánh Khổng Tử, Tiên Lão Tử và cả chúng ta, cả quý Giáo chủ đạo Baha’i vốn từ Ngài “nhất thân ức vạn diệu huyền thần biến”, vốn từ Ngài một pháp thân toàn năng, một chơn Thần diệu hữu biến hóa ra ức vạn thân có thần tính đồng nhất thể cách diệu huyền, ngôn ngữ văn tự không diễn tả được.

Từ buổi đầu lập giáo Cao Đài, Ngài đã phán qua cơ bút: “Đạo Thầy tức là các con, các con tức là Thầy”. Cho nên sứ mệnh Cao Đài giáo liên quan cả thần Thượng Đế và tâm nhân loại làm một quyền pháp, nghĩa là sứ mệnh cứu thế kỳ này có tính cách toàn diện thiên nhơn, không dành riêng cho một dân tộc nào, một phương trời nào. “Đạo mầu rưới khắp nơi trần thế”. Lời phán của Đức Giáo chủ Cao Đài minh định biên giới sứ mệnh Cao Đài giáo thật không biên giới. Từ đó hiểu được rằng sứ mệnh này là sứ mệnh chung mà dân tộc Việt Nam được Thượng Đế chọn làm lớp người đầu tiên tiếp nhận. Nói người Cao Đài giáo đầu tiên, chúng tôi phải nhớ đến công trình sứ mệnh của bao nhiêu bậc Nho gia, Thiền sư, Đạo sĩ, Giáo sĩ đã mở đường tôn giáo, tích lũy sự nghiệp tôn giáo. Những vị đó đáng được tôn vào hàng phẩm sứ mệnh tiền khai Cao Đài giáo, mặc dù trước hành đạo với tư cách riêng vốn là Phật giáo, Khổng giáo, Lão giáo hay Cơ Đốc giáo chẳng hạn.

Nền văn minh nhân loại đã xây đắp và càng tô bồi vững chắc, cao đẹp hơn, đúng là sứ mệnh chung do Thượng Đế vận chuyển bánh xe Đạo pháp trước sau nhịp nhàng, tôn giáo nào cũng chung phần vinh dự. Chúng tôi nghĩ rằng không riêng cho tôn giáo, những người đồng một khuynh hướng hòa đồng tư tưởng nhân loại cũng là tay thợ chung xây nền văn minh, Cao Đài giáo không quên. Như thế, tất cả vì nhân loại. Tôn giáo không vì tôn giáo. Sứ mệnh tôn giáo xây đắp cho nhân loại một nền văn minh đạo học, văn minh “đại đồng” khởi từ lập trường vô ngã của tôn giáo thì Cao Đài giáo xin đứng bên cạnh các tôn giáo đóng góp vai trò sứ mệnh chung ấy. Được thế, Thượng Đế mừng thấy các con Ngài giống Ngài vô tư.

Điều thứ hai. Cao Đài giáo không chỉ là tôn giáo chú trọng tinh thần siêu thoát thế gian, mà còn là tôn giáo hướng đạo nhân sinh dung hòa tâm vật, kiến tạo đại đồng xã hội.

Ngày khai Đạo tại Nam Việt, Đức Thượng Đế phán:

“Hảo Nam bang, Hảo Nam bang

Tiểu quốc tảo khai hội Niết Bàn…”.

(Tốt thay nước Việt Nam! Tốt thay nước Việt Nam! Một nước nhỏ được sớm mở hội Niết bàn).

Niết bàn là danh từ Phật giáo, dùng gọi tên một tôn giáo mới, cho thấy tôn giáo là trung tâm cứu thế siêu phàm tục. Nói cho đúng, tất cả chức sắc, tín đồ Cao Đài giáo đều là hội viên hội Niết bàn, nhất là chức sắc phải tu tâm thanh tịnh, giải thoát, vô vi, vô ngã, không còn dính mắc lợi danh, lộn quanh trong vòng sanh tử. Nói cho đúng, Cao Đài giáo lấy việc xây dựng thế gian hóa thành cõi Niết bàn, nhân loại sống cảnh thần tiên tại thế. Nghĩa là phải thực hiện đúng tôn giáo là nền văn minh nhân loại vừa nhập thế vừa xuất thế.

Chúng tôi muốn nói thêm, Cao Đài giáo có sứ mệnh gắn liền các chủ nghĩa Đông Tây hoặc chính trị, hoặc khoa học, hoặc tôn giáo, tất cả là một khối đại đồng huynh đệ, tâm tâm hòa hợp, vật vật quân bình, đạo đời tương đắc. Sứ mệnh này đòi hỏi nhân loại ý thức tầm mức vĩ đại và trường cửu của nó. Nó thành công hay không, không chỉ nói là được. Thượng Đế và chúng ta hợp nhất trong sứ mệnh này, chúng ta phải chấp nhận trăm nghìn gian khổ vì sứ mệnh. Lớp này trước, lớp kia sau đồng hành sứ mệnh, biết rằng: “Tiên hào đào nhi hậu tiếu” trước kêu gào nhau, dù có khóc than thời thế đảo điên trái nghịch bao nhiêu cũng chẳng nề, sau này nhân loại được một nụ cười thành công sứ mệnh là vui thỏa.

Cao Đài giáo mở tại Việt Nam, một nước nghèo yếu mà mơ giấc mộng đại đồng, ấp ủ sứ mệnh ấy, thật đúng: “Nhỏ người to con mắt”. Kể ra Con Mắt Cao Đài giáo nhìn cả thiên hạ, thấy nhân loại phải được cứu toàn diện, tâm không bỏ, vật không chê, tâm vật tịnh hành, cổ kim nhất quán, đông tây bình đẳng mới gọi văn minh. Nếu tôn giáo giới hạn sứ mệnh trong phạm vi nhỏ hẹp nào thì rồi nhân loại chẳng bao giờ có được nền văn minh toàn diện.

KẾT LUẬN

Bài viết ngắn nói về tôn giáo chính là nền văn minh nhân loại làm sao có thể trình bày ý nghĩa đầy đủ được. Kết luận, chúng tôi xin thưa:

Phật giáo, Cơ Đốc giáo, tôn giáo nào cũng hướng dẫn nhân loại thương yêu nhau, sống đời sống không tội lỗi, giác ngộ chân lý, hòa đồng cùng “Bản thể tuyệt đối duy nhất”, nhất định không phải là thuốc phiện của dân chúng. Baha’i giáo, Cao Đài giáo nhất định cũng không phải là thuốc phiện làm tiêu mòn sinh lực dân tộc Việt Nam và nhân loại sau này, khiến mọi người an phận chịu khổ. Tôn giáo nói cho người biết khổ là gì, khổ do đâu mà có, người phải diệt khổ bằng chánh Đạo. Tôn giáo đã làm sống lại vô số linh hồn chết chìm trong tội lỗi. Người đời tội lỗi, tôn giáo nguyện gánh hết trách nhiệm. Thử hỏi tôn giáo không phải chính là nền văn minh nhân loại của dân chúng được sao?

Riêng về Cao Đài giáo, nếu không phải chính là nền văn minh nhân loại thì cũng phải là sức sống dậy của dân tộc Việt Nam nói riêng, của nhân loại nói chung. Nhờ có Phật, có Chúa, có thế giới vô hình cộng đồng trách nhiệm, quyết tu trừ vô minh, không gây tội người giết người bằng tôn giáo.

Chúng tôi xin cảm ơn chư tôn thính giả đã vui lòng theo dõi vẫn đề, xin cầu nguyện Ơn Trên ban ơn cho dân tộc thực sự hòa bình, các tôn giáo đoàn kết, chúng ta thể hiện đời sống các Giáo chủ khắp nơi, xứng đáng tôn giáo chính là nền văn minh nhân loại.§

Xem thêm chủ đề: Tuyển tập Sống đạo