Trông về quê mẹ


GS. THƯỢNG LIÊM THANH

Chúng ta thường nghe câu ca dao:

Chiều chiều ra đứng ngõ sau,
Trông về quê mẹ ruột đau chín chiều.

Đây là hình ảnh người con gái ra đi lấy chồng, suốt ngày quần quật lo cho giang san nhà chồng, chiều về có chút rảnh rỗi, ra ngõ sau trông về quê mẹ.
Quê mẹ chính là quê nhà, nơi mẹ sinh ra ta, lớn lên và từ đó ta ra đi. Đó là cái quê mẹ của mỗi con người trong cõi ta bà này. Còn cái quê nhà của mỗi chân linh chúng ta là ở đâu?
Nhà thơ Bùi Giáng đã từng hí hửng:

Hỏi tên rằng biển xanh dâu?
Hỏi quê rằng mộng ban đầu mà ra.

Và nếu có ai tiếp tục hỏi, nhà thơ tiếp tục trả lời:

Hỏi rằng người ở quê đâu?
Thưa rằng tôi ở rất lâu quê nhà.
Hỏi rằng từ bước chân ra?
Vì sao thấy gió dàn xa dặm dài
Thưa rằng nói nữa là sai
Mùa xuân đang đợi bước ai đi vào
Hỏi rằng đất trích chiêm bao,
Sá gì ngẫu nhỉ mà chào đón nhau?
Thưa rằng ly biệt mai sau
Là trùng ngộ giữa
hương màu Nguyên Xuân!

Chúng ta và Bùi Giáng cùng ở cõi đất trích chiêm bao, cõi của ngẫu nhỉ tình cờ, cõi của vô thường giả tạm.
Bùi Giáng là một nhà thơ “điên”, người ở Vĩnh Trinh, Điện Bàn, Quảng Nam. Nếu hỏi ông nhiều quá, ông sẽ trả lời thẳng thừng bộc bạch rằng: “Tại hạ là Bùi Bàn Giúi, là tên bán giùi”. Bàn Giúi hay bán dùi thì cũng là Bùi Giáng thôi! Với cái tên cũng chỉ là hư thực phù du.

Có chi thường với chẳng thường
Bước chân như vẫn bên đường chân như
Không phù du, có phù du
Trăm năm vệt khói sương mù những đâu. (Y SA).

Bùi Giáng là một nhà thơ “điên” nhưng được lên ngôi là bậc “thi Thánh”. Bởi vì ông:

Bao đêm thao thức thật thà
Sưu tầm chân lý hóa ra tấm ruồng.

Cho nên:

Làm thơ lắm lúc quàng xiên
Đôi phen rất mực thần tiên dịu dàng.

Tệ đệ mượn một chút quàng xiên của con người thơ “lô hỏa thuần thanh” để dẫn vào câu chuyện, biết đâu sẽ rất mực thần tiên dịu dàng. Mà không dịu dàng sao được khi chúng ta cùng trông về quê Mẹ, tức là quê nhà hay quê xưa.

Mỗi môn sinh Cao Đài, người con của Thầy của Mẹ đều mong mỏi được về lại “quê xưa vị cũ”. Nhưng quê xưa vị cũ ở chốn nào? Nhiều người mạnh dạn trả lời rằng đó là cõi Trời, cõi Bồng đảo, cõi Thiêng liêng hằng sống, cõi Niết bàn. . .

Hôm nay mừng đón ngày đại lễ Thánh Đán Kim Mẫu Từ Tôn, chúng ta xin trả lời đích thực đó chốn quê Kim Bàn.

Mới hay sống gởi thác về,
Kim Bàn nhận rõ là quê hương mình.
(kinh Thỉnh vong)

Quê hương của mỗi chân linh chúng ta là nơi Kim Bàn. Ở nơi đó có cái bồn vàng chứa nguyên chất để tạo hình hài các bậc nguyên nhân:

Nơi Kim Bồn vàn vàn nguơn chất,
Tạo hình hài các bậc nguyên nhân.
(kinh Đệ Cửu cửu)

Đức Mẹ Diêu Trì là Đấng Thiên Hậu chưởng quản chốn quê Kim Bàn, đã dùng ngươn chất thổi khí sanh quang vào tạo thành quần nhi gồm bát đẳng chơn hồn: Kim Thạch hồn; Thảo mộc hồn; Thú cầm hồn; Nhơn hồn; Thần hồn; Thánh hồn; Tiên hồn và Phật hồn. Xin hãy nghe lời Phật Mẫu chơn kinh:

Tạo Hóa Thiên huyền vi Thiên Hậu,
Chưởng Kim Bàn Phật Mẫu Diêu Trì;
Sanh quang dưỡng dục quần nhi,
Chơn linh phối nhất thân vi Thánh hình.
Thiên cung xuất vạn linh tùng pháp,
Hiệp âm dương hữu hạp biến sanh;
Càn Khôn sản xuất hữu hình,
Bát hồn vận chuyển hóa thành chúng sanh.
Cộng vật loại huyền linh đồ nghiệp,
Lập tam tài định kiếp hòa căn.

Như vậy cõi càn khôn pháp giới với muôn vàn hình tướng từ rong rêu, cây cỏ, bò bay, máy cựa đến thiên hà tinh tú đều phát xuất từ Đức Mẹ Tạo Hóa Thiên. Có lẽ chỗ này khoa học và đạo học gặp nhau.

Nhà không gian học nổi danh đương đại, tiến sĩ Trịnh Xuân Thuận phát biểu rằng: “Chúng ta chia sẻ với toàn bộ vũ trụ một lịch sử chung. Chúng ta là con cháu các vì sao, là anh em của các loài thú hoang dã, là họ hàng của các cây cỏ trên đồng nội. Chúng ta mang trên mình toàn bộ vũ trụ, chúng ta hoàn toàn không thể cắt rời vũ trụ”. (Tiềm Năng Con Người)

Như vậy cái muôn vàn của vũ trụ nằm trong bát hồn vận chuyển sản xuất hữu hình. Trong đó có 96 ức nguyên nhân là quần nhi mà Đức Mẹ đã cho “xuất Thiên cung” xuống thế gian. Đồng thời Đức Mẹ cho mỗi chơn linh một cái túi đựng tám vật báu gọi là “Bát bửu nang” để hộ thân. Tám vật báu ấy là: Hiếu, Để, Trung, Tín, Lễ, Nghĩa, Liêm, Sĩ.

Mỗi chơn linh lãnh lịnh ra đi rất hăng hái, hớn hở như những sứ đồ được điều dụng đi hành đạo. nhưng cái lẽ đối đãi thuận nghịch ở đâu cũng có, dẫu rằng trên chốn Thiên cung. Theo sách Kim Bàn Ngọc Lộ cho biết: “Khi những chơn linh phơi phới lãnh Bát bửu nang lướt mây để Thiên cung xuất vạn linh tùng pháp, đã gây đố kỵ với một vị Tiên là Cù Tán Đởm. Ông đã theo xuống thế gian sinh tâm phá bỉnh bằng cách đoạt Bát bửu nang, khiến mỗi chơn linh trở nên bất hiếu, bất trung, bất tín, bất nghĩa… vì miếng đỉnh chung, vì danh lợi, tình, tiền đã gây nên bao cảnh thương đau, để rồi các chơn linh lạc mất đường về, không tìm được quê xưa. Đức Mẹ đã từng nhắn nhủ:

Con nhớ chăng con chốn Thượng đình,
Mỗi con mang lấy mảnh hồn linh,
Vào đời tu học bồi âm chất;
Lo Đạo, lo đời, lo chúng sinh.
Nhưng lúc vào đời mang nhục thân,
Sớm trưa vùi lấp chốn phong trần;
Đỉnh chung danh lợi đua chen mãi
Quên Đạo quên đời, quên cõi nhân.

Và rồi để cứu 96 ức nguyên nhân, Thượng Đế Chí Tôn đã cho mở nền Đại Đạo, phổ độ vào cõi người. Kỳ thứ nhất đến kỳ thứ nhì đã cứu được 4 ức nguyên nhân. Vào thời Hạ nguơn mạt tận này, chính mình Thầy đến cõi Nam bang, chọn Việt Nam làm nước Thánh, dân Việt Nam làm dân Thánh, mở Đại Đạo Tam Kỳ tận độ hết 92 ức nguyên nhân còn lại.

Lập Đạo kỳ ba Thầy phải mất ba năm mới chọn được người môn đệ đầu tiên là Đức Ngô Minh Chiêu để trao phần tâm pháp vô vi, và chỉ một năm độ được ba vị là ngài Cao Quỳnh Cư, ngài Phạm Công Tắc và ngài Cao Hoài Sang trao phần tướng pháp hữu vi. Ba vị này được Đức Mẹ Diêu Trì Kim Mẫu ban cho Ngọc cơ lập bộ phận phò loan lo phần phổ độ.

Mẫu nghi hằng giữ lòng đơn,
Mảng lo cho trẻ đặng tròn mảnh thân.
Riêng thương Kim Mẫu khóc thầm,
Biển trần thấy trẻ lạc lầm bấy lâu.
Đôi phen Mẹ luống ưu sầu,
Cũng vì tà mị dẫn đường con thương.
Đỉnh chung là miếng treo gương,
Khiến nên trẻ dại lạc đường quên ngôi.
Ngọt ngon trẻ nhiễm mến mùi,
Trẻ nào có biết khúc nôi đoạn trường.
Ngồi trông con đặng phi thường,
Mẹ đem con đến tận đường hằng sanh.
Xưa con không thấu cội nhành,
Vì đường Đạo bế biệt cành hoa rơi.
Từ con cách Mẹ phương trời,
Trầm luân khổ hải chơi vơi sóng trần.
Dầu thương nhắm mắt đưa chân,
Giờ nay gặp lối nghiệt trần giảm tiêu.
Ngọc Hư định phép cũng nhiều,
Phái vàng Mẹ lãnh dắt dìu trẻ thơ.
Trước kia trẻ vẫn mịt mờ,
Từ đây mới hãn ơn nhờ Mẫu Nghi.
Đắc truyền khai mối Tam Kỳ,
Dưới tay cậy có Diêu Trì Cửu Nương.
Chín cô đã sẵn lòng thương,
Mê tân độ chúng buồm trương thoát vòng.
(kinh Tán tụng công đức Diêu Trì Kim Mẫu)

Ta thấy rằng cơ phổ độ là do Đức Mẹ và Cửu Nương trách nhiệm:

Đắc truyền khai mối Tam Kỳ,
Dưới tay cậy có Diêu Trì Cửu Nương.
Đức Mẹ là ngôi pháp lo về phần giáo hóa dạy dỗ chúng sinh:
Nghiệp hồng vận tử hồi môn,
Chí công định vị vĩnh tồn Thiên cung.

Vận tử hồi môn hay phản bổn hoàn nguyên, ấy là gọi con quay về. Đức Mẹ minh giải:

Muốn phản bổn huyền công tu tập,
Muốn hoàn nguyên phá chấp giải mê;
Bảy tình sáu dục quay về,
Về nơi căn cội bồ đề khi xưa.
Công phu ấy thượng thừa tâm pháp,
Trị bệnh đời đa tạp biến sanh;
Tâm con dõng mãnh chí thành,
Đào sâu gốc rễ ngọn ngành còn đâu.
Tình thức đoạn não sầu cũng đoạn,
Vọng trần không bệnh hoạn cũng không;
Qui về một chủ nhơn ông,
Thanh nhàn thanh tịnh ngoài trong vẹn toàn.
(Đức Mẹ, đàn CQPTGL, 14/8/Mậu Tuất)

Phản bổn hoàn nguyên là quay về gốc, trở lại quê xưa. Muốn vậy, Mẹ dạy rằng phải tu học. Con đường tu học rốt ráo tại Hội Thánh Truyền Giáo là tướng pháp tâm pháp đồng tu, hành đạo tịnh luyện đi đôi.

Chúng ta là môn sinh của Hội Thánh Truyền Giáo liệu đã chí tâm qui mạng chưa hay còn nhược tồn nhược vong, nghi ngờ thiên chấp rồi biến chế theo tư ý hoặc lý luận chê bai. Kinh Duy Ma cật nói rằng: Bất tâm hữu vi, bất trụ vô vi. Hãy rốt ráo phần hữu vi tức là học cho đến nơi, mới trụ được ở vô vi tức là hành sẽ đến chốn.
Cuối cùng xin gởi đến quí vị cảnh đợi chờ của Đức Mẹ ở chốn quê xưa:

DIÊU cung ríu rít gió thu lồng,
TRÌ bửu vào ra mỏi mắt trông;
KIM cúc lắc lay cành dợn bóng,
MẪU thân gượng hỏi trẻ về không?
(TT. Trung An, ngày 20/7/Đinh Sửu – 1937)

Xem thêm chủ đề: Tuyển tập Sống đạo